Từ con suối nhỏ đến dòng sông lớn, cứ hễ hôm trước có mưa thì hôm sau, nước sông, nước suối đều biến thành màu đỏ đến kỳ lạ. Tất cả đều bị đục bởi bùn đất.
Người dân thôn Giòng Cạo, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, vào lúc này, không dám ra suối trước nhà để lấy nước như trước.
Phía trên các con suối là những ngọn đồi. Hầu như ngọn đồi nào ở miền núi Khánh Vĩnh giờ cũng đều là rẫy trồng keo. Một thực tế phổ biến là các chủ rừng thường trồng cùng một loài cây và trồng đồng loạt. Lẽ đương nhiên khi khai thác cũng khai thác đồng loạt. Vậy là trước mùa mưa, nhiều khu đồi từ chỗ phủ xanh cây rừng bỗng biến thành đồi trọc.
Điều đáng lo ngại hơn, trong quá trình khai thác, để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, phải mở những con đường. Ngọn đồi bị xẻ dọc, xẻ ngang để hình thành những con đường, ngắn thì vài trăm mét, dài thì cả cây số.
Bề mặt đồi núi bị biến dạng ngay đúng lúc miền núi bước vào mùa mưa. Điều nhiều người lo ngại hơn không chỉ là xói lở mà mức độ lũ lụt sẽ càng trầm trọng hơn với những đồi trọc.
Kinh tế rừng đã có bước phát triển nhanh trên cả nước với con số 4,2 triệu ha rừng trồng trong năm 2018. Tuy nhiên, các chuyên gia lâm nghiệp liên tục cảnh báo về mối nguy khi các chủ rừng không tuân thủ những nguyên tắc phát triển rừng trồng theo hướng bền vững. Hậu quả là chính những khu vực rừng trồng lại gây xói lở và gia tăng lũ lụt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!