Hơn chục năm nghiên cứu chuyên sâu về Ngọa Vân, nhà sử học, khảo cổ học Nguyễn Văn Anh nắm trong tay nhiều tư liệu quý. Am Ngọa Vân thờ tượng Phật Hoàng trong tư thế sư tử nằm là nơi ngài nhập niết bàn. Sau khi Phật hoàng hóa Phật và được hỏa thiêu, một phần xá lị được thiền sư Pháp Loa xây bảo tháp lưu giữ tại đây. Bảo tháp đó nay không còn, Phật hoàng tháp hiện hữu đến giờ do người dân và Thiền sư Đức Hưng phát tâm dựng lại sau đúng 400 năm ngày Phật Hoàng chọn am nhỏ này tu luyện, bằng chứng là tấm bia "Trùng tu Ngọa Vân tự bi ký", được đặt năm 1707.
Từ am nhỏ, các cuộc nghiên cứu mở rộng phát hiện nhiều dấu vết nền móng kiến trúc chùa, am, tháp, có niên đại từ thời Trần đến đầu thế kỷ XX, hệ thống di tích gồm 4 khu: Thông Đàn - Đô Kiệu, Đá Chồng, Ba Bậc và Ngọa Vân là trung tâm.
Yên Tử là nơi Phật hoàng tu hành, thuyết pháp, độ tăng… Còn Ngọa Vân là điểm kết thúc quá trình tu luyện, thành Phật. Ngọa Vân có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình phát triển và mở rộng của Trúc Lâm đến Thanh Mai, Côn Sơn? Các nhà khoa học vẫn đi tìm câu trả lời, giúp thế hệ sau hiểu trọn vẹn tư tưởng, tầm vóc của Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua tài ba, anh minh, đức độ và gần dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!