Hiện nay, những câu chuyện như cuốc taxi chở khách từ sân bay về thành phố bị hét giá hơn 1 triệu đồng; đĩa hoa quả cũng có thể lên tới tiền triệu; tài xế dắt khách tới ăn nghỉ, hoặc mua hàng có hoa hồng lên tới 25%... đang có nguy cơ làm mất đi hình ảnh đẹp về du lịch và con người Việt Nam.
‘ Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn (áo trắng) tại trường quay Hà Nội và bà Nguyễn Thị Huyền (áo hồng) tại trường quay Đà Nẵng, trong chương trình Sự kiện và Bình luận (Ảnh: VTV News)
Tình trạng “chặt chém” du khách đang là vấn đề làm nhức nhối các nhà quản lý. Trước vấn nạn này nhiều địa phương đã chủ động đưa ra hàng loạt các phương án nhằm ngăn chặn như: TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lập hẳn một bảng danh sách đen các cửa hàng có hành vi “chặt chém” để cảnh báo du khách, hoặc Hà Nội lập một đường dây nóng để tiếp nhận thông tin du khách bị bắt chẹt, hay tỉnh Ninh Bình rất mong muốn tập trung dịch vụ du lịch thành một khu để dễ dàng quản lý…
Đưa ra quan điểm của mình về các giải pháp trên, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng vụ lữ hành, Tổng Cục du lịch Việt Nam cho rằng những giải pháp đó là rất cần thiết, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ. Theo ông Tuấn để ngăn chặn hiệu quả vấn nạn kinh doanh theo kiểu chộp giật “chặt chém” du khách cần phải có các giải pháp đồng bộ hơn, đặc biệt là vai trò của các cơ quan quản lý ở địa phương rất quan trọng.
Còn với góc nhìn của một người làm dự án du lịch cơ sở, bà Nguyễn Thị Huyền - điều phối viên quốc gia dự án Du lịch giảm nghèo tại tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Con người là điểm đến của một quốc gia”, bởi yếu tố này chính là bộ mặt gây ấn tượng đầu tiên cho du khách, vì vậy trong một chuỗi du lịch bao gồm nhiều yếu tố cần có các biện pháp nâng cao nhận thức của chính người làm du lịch.
VIDEO chương trình Sự kiện và Bình luận với sự tham của 2 vị khách mời trên sẽ bàn luận rõ hơn những vấn đề liên quan đến nạn “chặt chém” du khách hiện nay.
Mời quí vị cùng theo dõi