Nguyên nhân nào gây suy giảm chất lượng không khí tại Hà Nội?
Theo "Báo cáo hiện trạng
môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015" do Bộ Tài nguyên và Môi trường công
bố ngày 29/9 vừa qua: "Các đô thị lớn như Hà Nội hay đô thị có hoạt động công
nghiệp mạnh như Việt Trì (Phú Thọ), ô nhiễm bụi có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao,
đặc biệt là các khu vực gần đường giao thông" và "Ô nhiễm và sự cố môi trường
tiếp tục gia tăng, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm".
Những nguyên nhân nào khiến chất lượng
không khí tại Hà Nội lại có chiều hướng suy giảm trong những năm gần đây bất chấp
nhiều nỗ lực từ các cơ quan chức năng?
Trả lời câu hỏi trên, GS-TS Hoàng
Xuân Cơ, Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã chỉ ra 4 nhóm nguyên
nhân chính tác động đến chất lượng không khí gồm: Hoạt động sản xuất công nghiệp; hoạt động giao thông vận tải; hoạt động xây dựng và hoạt động sống của con người.
Sự phát triển quá nhanh của các phương tiện như ô tô và xe máy được xem là nguyên nhân chính gây suy giảm chất lượng không khí tại Hà Nội thời gian qua
Từ lâu Nhà nước và TP. Hà Nội đã có chính sách không cho phép các nhà
máy có khả năng gây ô nhiễm lớn (nhiệt điện, xi măng, giấy, thép,…) hoạt động,
các nhà máy gây ô nhiễm ở mức nghiêm trọng đã phải di dời. Vì vậy, nguồn phát
thải công nghiệp đã được hạn chế. Tương tự, các công trình xây dựng nhỏ, các xe
chở vật liệu xây dựng cũng dần dần giảm. Cùng với đó, hoạt động đun nấu đã sử dụng nhiều
khí tự nhiên, điện thay cho than tổ ong, củi, rơm rạ… nên cũng giảm phát thải
chất độc ra khí quyển.
Mấy
năm gần đây việc đốt rơm rạ ngoài đồng ở các huyện ngoại thành cũng ảnh hưởng
đến chất lượng không khí. Một số cơ sở sản xuất nhỏ, làng nghề cũng là nguồn
phát thải chất ô nhiễm không khí. Tuy nhiên phát thải này chỉ có tính thời vụ,
địa phương nên cũng không phải là nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí khu vực
đô thị.
Trong
khi đó, hoạt động giao thông với lượng xe máy, ô tô ngày một nhiều, tập trung
hoạt động trong khu đô thị với mật độ cao, chất lượng phương tiện chưa được kiểm
soát tốt được coi là nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng không khí (CLKK)
Hà Nội.
Ngoài
phương tiện của các doanh nghiệp giao thông vận tải (xe khách, tắc xi, xe bus,…)
thì xe máy, ô tô cá nhân cũng đóng góp lượng phát thải rất lớn.
Vì vậy
theo ông Cơ, phần nào đó có thể coi người Hà Nội vừa là "nạn nhân" vừa là "thủ
phạm" gây nên tình trạng suy giảm CLKK hiện nay.
Hà Nội hạn chế ô nhiễm không khí bằng cách nào?
Trước
những thực tại nêu trên, GS-TS Hoàng Xuân Cơ đã đưa ra một loạt các giải pháp để
hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Đầu
tiên ông Cơ nhấn mạnh Hà Nội phải tiếp tục duy trì chính
sách hạn chế xây dựng các nhà máy công nghiệp phát thải lớn ở khu vực
thành phố Hà Nội. Ngoài ra, thành phố cũng cần từng bước bố trí không gian đô thị,
tránh tập trung dân với mật độ quá cao như hiện nay ở một số khu vực. Việc xây
dựng các khu đô thị vệ tinh cũng góp phần giảm mức độ tập trung dân cho vùng đô
thị lõi song nếu không giải quyết tốt việc cung cấp dịch vụ thì hiệu quả sẽ
không cao.
Việc giảm tải mật độ dân cư cao ở một khu vực nhất định được xem là một giải pháp hạn chế thải tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Bên cạnh đó, Hà Nội cần
nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông là yếu tố quan trọng để giảm
thải và giảm tác động có hại của khí thải. Cùng với đó việc nâng cao chất lượng
phương tiện giao thông cũng là một giải pháp được ông Cơ
đưa ra.
Ngoài ra, giải
pháp không thể thiếu cho việc giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội
chính là việc nâng cao ý thức của từng cá nhân về sử dụng phương tiện giao
thông theo phương châm hợp lý, tiết kiệm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!