Gần đây, những vụ bắt giữ cá tầm lậu liên tiếp diễn ra. Nhưng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng, khi lượng cá tầm được nhập lậu vào thị trường trong nước mỗi ngày lên tới 10-20 tấn.
Cá tầm lậu không rõ nguồn gốc, không ai biết chúng được nuôi bằng thức ăn gì, có chất tăng trọng hay không. Nhiều ý kiến cho rằng, nguy cơ dịch bệnh từ cá tầm nhập lậu nguy hiểm không kém gà thải loại. Và nhập lậu cá tầm cần được xem như hành vi tội phạm hóa ngành nông nghiệp, thay vì chỉ xử phạt hành chính.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho rằng: “Những trường hợp nhập cá tầm không có giấy phép đều được coi là trái phép theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như công ước CITES. Vì vậy, cần phải tịch thu và tiêu hủy nếu như xác định được mầm bệnh”.
Phương án được đề xuất là chặn cá tầm nhập lậu ngay từ điểm tập kết, cửa khẩu hàng không, vì đây là cửa ngõ duy nhất để cá tầm nhập lậu tiến sâu hơn vào nội địa. Trước thông tin cá tầm được vận chuyển nhiều qua đường hàng không, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo Cục Thú y cần có sự hiện diện tại các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất với các chốt kiểm dịch.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Rất nhiều người thắc mắc, Việt Nam có rất nhiều chốt kiểm dịch dọc tuyến đường bộ từ Bắc vào Nam, thì tại sao tại các cảng hàng không chúng ta không có. Vấn đề này, chúng tôi sẽ đưa thêm vào chức năng nhiệm vụ”.
Thời gian tới, những mẫu cá tầm nhập lậu sẽ được thu thập để kiểm tra, tập trung vào dư lượng chất kích thích tăng trọng. Ngay lúc này, nếu ngăn chặn từ gốc tại các chốt kiểm dịch sân bay sẽ hạn chế tối đa những chuyến hàng cá tầm lậu. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nước đang chờ những động thái mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan chức năng.