Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí)
Hàng trăm dự án thủy điện vừa và nhỏ đã buộc phải loại bỏ ra khỏi quy hoạch của ngành điện do ảnh hưởng xấu đến môi trường và thiếu hiệu quả. Theo các chuyên gia, để bù đắp lại sản lượng điện từ các dự án thủy điện vừa và nhỏ cần tính đến nguồn năng lượng tái tạo. Đây được coi là thế mạnh của Việt Nam, tuy nhiên việc khai thác vẫn chỉ nằm ở dạng tiềm năng với số lượng và công suất còn khá khiêm tốn.
Phân tán, manh mún và gây tác động xấu đến môi trường, đó là một trong những lý do khiến 468 dự án thủy điện vừa và nhỏ bị loại ra khỏi quy hoạch. Theo các chuyên gia, tính trung bình 1MW thủy điện đã chiếm tới 14,5 ha đất các loại.
Việc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ thiếu hiệu quả ra khỏi quy hoạch là điều cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần có những cơ chế mới hơn để phát triển năng lượng tái tạo. Theo các nhà phân tích: Vấn đề mấu chốt là thay đổi xu hướng phát triển nguồn điện và giảm dần việc sản xuất điện từ các nguyên liệu hóa thạch.
Các nghiên cứu mới đây cho thấy: Hiện tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn nhưng mới khai thác được phần nhỏ. Và trong quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo đến năm 2020 cũng chỉ đạt khoảng 7% và trên 10% vào năm 2030.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều cơ chế mới cho các dự án điện mặt trời. Theo đó, giá bán điện là 9,35cents/kWh với thời hạn của hợp đồng là 20 năm cùng với các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi khác như việc mua điện, thuế, phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Cơ chế này kỳ vọng sẽ thúc đẩy các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.