Hà Nội: Khó đảm bảo an toàn thang máy chung cư

Quý Thông-Thứ năm, ngày 31/07/2014 19:54 GMT+7

Khu tái định cư CT5 Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội có thang máy, nhưng nhiều người dân lại đi cầu thang bộ để lên nhà mình.

Sau một loạt sự cố liên quan đến mất an toàn thang máy tại các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là vụ tai nạn dẫn đến chết người xảy ra tại chung cư N5A đường Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân đã khiến nhiều người dân phải lo ngại về tình trạng này. Và ngay cả khi các cơ quan chức năng đã vào cuộc cũng cho thấy, để giải quyết được vấn đề này không hề đơn giản.

Khu tái định cư CT5 Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội có thang máy, nhưng nhiều người dân lại đi cầu thang bộ để lên nhà mình. Người dân nơi đây phải sử dụng cầu thang bộ mỗi ngày vì thang máy của tòa nhà đã hỏng từ ba năm nay mà không được sửa chữa, chiếc còn lại có thể sử dụng được nhưng vẫn hay gặp trục trặc gây nguy hiểm cho người dân.

Ông Lại Thế Quang, P701- CT5 Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Thang máy kém lắm, chuyện người dân bị nhốt rồi thang bị rơi tự do là bình thường, bây giờ người dân có dám đi đâu, trẻ con thì càng sợ”.

‘ Thang máy cần được bảo trì thường xuyên để đảm bảo an toàn. Ảnh: VNN

Tổng hợp số liệu từ các Quận, huyện gửi về UBND Thành phố Hà Nội cho thấy, hiện nay hầu hết các khu nhà tái định cư đều gặp trục trặc về thang máy với 40% số thang máy bị hỏng hóc không thể sử dụng được.

Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu từ năm 2013 cho UBND Thành phố, từ đó Sở Tài chính đã cấp 30 tỷ đồng cho Tổng công ty quản lý nhà, 10 tỷ đồng cho phát triển nhà để cải tạo những chung cư không có 2% phí bảo trì do hình thành trước 2005 khi Luật Nhà ở chưa có hiệu lực. Từ đó doanh nghiệp tự điều chỉnh để cải thiện”.

Mặc dù kinh phí Thành phố đã chuyển tới các chủ đầu tư, nhưng tình trạng thang máy xuống cấp vẫn chưa được cải thiện bởi vướng mắc từ sự chưa đồng thuận của người dân trong chính các khu dân cư.

Ông Chử Văn Cháng, Phó giám đốc Công ty quản lý Đô thị, Tổng công ty quản lý Nhà Hà Nội cho biết: “Để sử dụng được vốn này là rất nhiều khó khăn, phải thông qua Ban quản trị, thông qua người dân. Tuy nhiên nhiều người dân chưa nhất quán được nên chúng tôi chưa thể sử dụng. Ngược lại, có nhiều khu đã sử dụng hết khoản tiền đó, bây giờ khi hỏng thì người dân không chịu đóng”.

Chuyện thang máy hỏng không chỉ là “ngắt mạch” giao thông chính của mỗi khu nhà, mà còn dấy lên một nguy cơ khác đe dọa an toàn của người dân là vấn đề thoát hiểm từ các tầng cao nếu không may xảy ra cháy nổ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước