Hà Nội kỳ vọng giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường khi thu phí phương tiện vào nội đô

Minh Đức-Thứ tư, ngày 07/11/2018 12:00 GMT+7

VTV.vn - Hà Nội đã lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô, đây là một trong những biện pháp kinh tế được kỳ vọng sẽ làm giảm ùn tắc giao thông, bảo đảm môi trường tại Thủ đô.

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý để Hà Nội lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô. Đây là vấn đề đang được dư luận quan tâm vì sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình giao thông cũng như đời sống của người dân.

Được biết, kế hoạch này nằm trong lộ trình thực hiện Đề án "tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thôngô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030" đã được HĐND TP Hà Nội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Theo đề án, Hà Nội sẽ tiến hành thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn, đây được xem là một trong những biện pháp kinh tế để làm giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo môi trường, có lộ trình thực hiện từ năm 2017 - 2020.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Việc thu phí phương tiện vào nội đô đã được nhiều thành phố lớn trên thế giới áp dụng và đạt được nhiều hiệu quả khi hạn chế lượng lớn ô tô đi vào khu vực nội đô. Tuy nhiên, tại danh mục phí, lệ phí của Luật Phí và lệ phí hiện hành không có khoản phí phương tiện cơ giới vào nội đô, vì vậy, để triển khai nhiệm vụ trên, Hà Nội đã báo cáo Chính phủ và mới đây, Chính phủ vừa đồng ý cho bổ sung khoản phí này vào danh mục của Luật Phí và lệ phí".

Lãnh đạo Sở GTVT cũng cho biết thêm, giai đoạn 2011 - 2016, số lượng phương tiện giao thông tại Hà Nội tăng mạnh, có trên 5 triệu xe máy và gần 500.000 xe ô tô, chưa kể có khoảng trên 1 triệu phương tiện đến từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông. Ước tính, 60% số lượng phương tiện này di chuyển đồng thời đã chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị.

Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ô tô, hơn 6 triệu mô tô, xe gắn máy; đến năm 2030 số ô tô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu. Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì vấn đề ùn tắc, ô nhiễm trong thời gian tới sẽ rất nghiêm trọng.

Hiện nay, Sở GTVT cũng đang phối hợp cùng Viện Chiến lược và phát triển GTVT - Bộ GTVT để xây dựng đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội". Đơn vị nghiên cứu đang phạm vi thực hiện, đồng thời bố trí trạm thu phí phù hợp với yếu tố giao thông của từng tuyến đường.

Ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển GTVT cho hay, đơn vị đang nghiên cứu để xây dựng phương án thu phí tự động, áp dụng công nghệ mới nhất để việc thu phí không gây ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển. Ông Mười cũng nhận định, việc thu phí sẽ hướng người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn, mật độ xe ô tô đi vào khu vực nội đô đông đúc sẽ giảm.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền đi lại của người dân cũng như giảm tình trạng ùn tắc tại Hà Nội thì thành phố sẽ nghiên cứu thực hiện việc thu phí vào giờ cao điểm. Vào các khung giờ khác như buổi đêm hay sáng sớm thì sẽ có chính sách phù hợp để người dân được thoải mái hơn.

Ngoài ra, Hà Nội đưa ra đề xuất thu phí phương tiện vào nội đô cũng cần có lộ trình cụ thể. Để việc thu phí đảm bảo công bằng, TP Hà Nội cũng cần đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại hơn nữa thì đề án mới thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước