Hà Nội: Nguy cơ tai nạn lao động tại các lò gạch tư nhân

Trung Hậu-Thứ tư, ngày 23/04/2014 19:52 GMT+7

Hiện trường vụ tai nạn lao động. (Ảnh: Tienphong)

Ngày 21/4 tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội đã xảy ra một vụ sập lò sấy gạch, làm 1 người chết và 3 người bị thương.

Từ vụ tai nạn lao động chết người này đặt ra câu hỏi, có hay không việc buông lỏng quản lý chất lượng các lò nung gạch được gọi là thân thiện với môi trường? Bởi ngay từ đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc chấm dứt sự tồn tại của các lò gạch thủ công trước thời điểm 31/12/2010. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều lò gạch thủ công vẫn ngày đêm nhả khói tại các địa phương.

Vụ tai nạn sập lò sấy gạch của Công ty TNHH dịch vụ du lịch và vận tải Phú Hà trên địa bàn xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội đã khiến 1 người chết và 3 người bị thương. Theo các lực lượng chức năng, 3 trong số 4 nạn nhân là người lao động ngoại tỉnh. Qua kiểm tra, hầu như toàn bộ số lao động trong công ty này đều không có hợp đồng lao động và không được bảo hiểm tai nạn lao động nếu có tai nạn xảy ra.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, việc không kí hợp đồng cho người lao động là do đặc thù của công việc chủ yếu theo thời vụ.

Ông Hoàng Bảo Hà - Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và vận tải Phú Hà cho biết: “Thực ra mô hình làm ở đây là tận dụng lao động ở địa phương thôi nên không thể kí được, mà người ta cũng không kí, người ta chỉ làm hôm nay mai nghỉ, có khi người ta còn đứng ở ngoài kia như chợ người nên có gạch thì đến bốc, bốc xong trả tiền đi về, mô hình ở đây chỉ giải quyết công ăn việc làm nông nhàn cho bà con nông dân ở đây thì là như thế”.

Theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND thành phố Hà Nội cấp cho Công ty Phú Hà từ năm 2012, công ty này được phép cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất Gạch của mình tại xã Văn Khê, Huyện Mê Linh, Hà Nội theo công nghệ thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, ngoài việc đầu tư, cải tạo, công ty này chủ yếu kí hợp đồng kinh tế, chuyển nhượng sản xuất gạch cho các hộ gia đình khác trên địa bàn xã và hàng năm đứng giữa thu lời.

Ông Nguyễn Mạnh Tầm, Xã Văn Khê, Huyện Mê Linh, TP.Hà Nội nói: “Tất cả các chủ lò ở đây đều mua qua công ty Phú Hà mà ở đây do vợ ông Hà là bà Nguyễn Thị Quý làm giám đốc kí cho mỗi chủ lò là 2,5 mẫu. Một ống khói bằng 2 lò gạch, như vậy mỗi một năm nộp tiền sản lượng là 200 triệu trên một năm. Mặc dù sản xuất hay không sản xuất nhưng khi đã nhận hợp đồng thì người đầu tư đều phải nộp tiền đó gọi là tiền sản phẩm”.

Ông Lưu Xuân Quân - Chủ tịch UBND xã Văn Khê, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội chia sẻ: “Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với công ty để kiểm tra làm rõ vấn đề có sang tên chuyển nhượng hay không, sau đó sẽ có kiến nghị với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét giải quyết”.

Mặc dù Quyết định do UBND TP Hà Nội cấp đã ghi rõ là các lò sản xuất gạch phải sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tuy nhiên, theo lời ông Tầm, ông và nhiều chủ lò gạch khác khi kí hợp đồng thầu và đầu tư vào sản xuất tại đây, họ đều không có khái niệm thế nào là công nghệ sản xuất gạch thân thiện với môi trường.

Ông Tầm cho biết thêm: “Tất cả cái đầu tư này thì là do ông chủ dự án ông nói lên là lò thân thiện với môi trường, chứ còn bản thân các chủ lò cũng không nắm được xây dựng như thế nào gọi là thân thiện”.

Cơ quan công an huyện Mê Linh cho biết, sẽ sớm có kết luận về nguyên nhân vụ tai nạn chết người tại lò gạch của Công ty Phú Hà. Các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng sẽ có kết luận về việc sang nhượng hợp đồng, cũng như đánh giá công nghệ của các lò gạch của đơn vị này.

Còn vào lúc này, trên diện tích 9,8 héc ta của dự án sản xuất gạch thân thiện với môi trường của Công ty Phú Hà, 18 lò gạch vẫn ngày đêm nhà khói. Và những người công nhân này vẫn tiếp tục làm việc trong những lò gạch có nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước