Hà Nội sẽ di dời 26.200 dân phố cổ

Theo Báo ĐT Chính phủ-Thứ sáu, ngày 12/07/2013 15:09 GMT+7

 Mục tiêu của Đề án giãn dân phố cổ, khu vực quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, là giảm mật độ dân cư phố cổ từ 823 người/hecta năm 2010 xuống còn 500 người/hecta vào năm 2020, tương ứng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người.

Đề án được thực hiện làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ trong khu đô thị mới Việt Hưng theo quy hoạch đã được TP Hà Nội phê duyệt.

Giai đoạn thứ hai, quận Hoàn Kiếm sẽ lập hồ sơ xin 30 hecta đất để xây dựng khu giãn dân phố cổ tại các quận nội thành và tổ chức di chuyển 5.020 hộ dân trong khu phố cổ sang khu đất giãn dân.

‘ Phối cảnh tổng thể nơi người dân phố cổ sẽ chuyển đến tại Khu đô thị mới Việt Hưng.


Đối tượng giãn dân là các hộ dân sinh sống trong các di tích, công sở, trường học, các ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, các chung cư xuống cấp nguy hiểm, các hộ dân sống trong phạm vi cần giải phóng mặt bằng theo các dự án của thành phố và các hộ dân tự nguyện di chuyển.

Khó khăn lớn nhất trong công tác giãn dân phố cổ hiện nay là xác định các đối tượng di dời và vận động người dân tự nguyện di dời. Hiện tại, bên cạnh những đối tượng bắt buộc phải di dời thì số người tự nguyện di dời còn chưa cao.

Các hộ thuộc đối tượng bắt buộc phải di chuyển sẽ hưởng các chế độ theo quy định đền bù giải phóng mặt bằng như: được bồi thường, hỗ trợ về đất, bồi thường giá trị nhà, công trình xây dựng, tài sản trên đất, được mua nhà tái định cư tại khu giãn dân phố cổ. Còn các hộ tự nguyện giãn dân sẽ được mua 1 căn hộ theo số nhân khẩu phù hợp với giá ưu đãi.

Tại ngõ 44 Hàng Buồm, có khoảng 100 nhân khẩu sinh sống hiện đang dùng chung 3 nhà vệ sinh, tuy diện tích mỗi nhà đều chật hẹp nhưng không phải ai cũng đủ kinh phí để chuyển đi chỗ khác.

Một chủ hộ ở đây cho biết: “Nếu Nhà nước tạo điều kiện để người dân chuyển đến chỗ mới thì chúng tôi rất mừng, nhưng cần có phương án với những hộ dân như chúng tôi chứ chỉ hỗ trợ hoặc phải bỏ tiền ra toàn bộ tôi cũng không biết lấy ở đâu”.

Theo người dân, điều quan trọng khi chuyển đến nơi ở mới là việc đảm bảo cuộc sống sau này. Mặc dù ở phố cổ chật chội nhưng nhiều hộ tham gia kinh doanh với đủ ngành nghề khác nhau, nếu nơi ở mới không đảm bảo cuộc sống thì họ vẫn muốn ở lại khu phố cổ. Kế sinh nhai cũng là lý do khiến nhiều hộ dân băn khoăn trước việc di dời đến nơi ở mới, vẫn muốn bám trụ ở lại nơi được nhiều người ví như “phố khổ”.

Theo đề án, các hộ dân trong diện giãn dân phố cổ nếu đang sinh sống, kinh doanh tại diện tích nhà mặt phố trong khu phố cổ hoặc hộ dân có nhu cầu kinh doanh thương mại để đảm bảo cuộc sống được xét mua diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 của các toà nhà 9 tầng trong khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng.

Khu giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng có tổng diện tích 11,12 ha gồm 16 toà nhà cao 9 tầng, 2 toà 15 tầng gồm trung tâm thương mại dịch vụ, chung cư, công trình công cộng. Bên cạnh đó, dự án cũng bao gồm các công trình phúc lợi công cộng như nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước