Một trong 4 vòm cầu vẫn được thông để làm đường đi. (Ảnh: TTXVN)
Chiều 29/6, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) Phạm Tuấn Long cho biết: UBND quận Hoàn Kiếm đang tiến hành khảo sát, xin ý kiến các chuyên gia về phát huy giá trị di sản 131 vòm cầu đoạn từ phố Phùng Hưng đến ga Đầu Cầu (ga Long Biên). Hiện có 4 vòm cầu đã được khơi thông để làm đường đi, 127 vòm cầu còn lại sẽ được khôi phục, tạo thành không gian tổ chức các hoạt động nghệ thuật, hội họa… như phố Sách 19/12, phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Nơi đây hứa hẹn trở thành một điểm nhấn văn hóa của người dân Thủ đô, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Ông Phạm Tuấn Long cũng cho biết: 127 vòm cầu nếu được khơi thông cùng với tận dụng hành lang hai bên sẽ tạo nên một không gian văn hóa rộng lớn với tổng quỹ đất lên đến khoảng 7.000 m2. Việc khôi phục các vòm cầu thành không gian văn hóa công cộng là một ý tưởng táo bạo, mang nhiều lợi ích cho cuộc sống đô thị, đặc biệt là tại khu vực đường Phùng Hưng và phố Gầm Cầu… Tuy vậy để triển khai ý tưởng này cần có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực, đặc biệt là có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan có trách nhiệm tực tiếp quản lý tuyến đường sắt từ ga Hà Nội đi lên phía Bắc qua cầu dẫn lên cầu Long Biên. Đây là dự án khó mà các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải cùng chung tay vì tương lai Hà Nội phát triển bền vững.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ: Cầu dẫn bằng đá bắt đầu từ phố Phùng Hưng và Gầm Cầu lên đến ga Long Biên có chiều dài 1,2km, xây bằng đá xanh Thanh Hóa. Cầu dẫn có 131 vòm cầu, đỉnh vòm cao từ 3,5 m đến 4,5m được xây dựng trong 2 năm (1900 -1902).
Trong kháng chiến cứu nước, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hành khách và tiếp nhận hàng hóa viện trợ quân sự - dân sự, các tuyến đường lắp thêm đường ray thứ 3 để mở rộng đường tầu từ 1m lên 1,45m. Các vòm rỗng được sửa chữa gia cố bằng cách xây tường đặc đỡ dưới vòm. Năm 1971, sông Hồng lũ lớn, nước ngập trắng bãi Phúc Xá, Phúc Tân, An Dương, Chương Dương… người dân chạy lụt vào nội thành, tá túc trong các vòm cầu từ phố Gầm Cầu đến phố Phùng Hưng. Khi nước rút, nhiều người dân tá túc luôn trong các vòm cầu do nhà cửa đã bị lũ cuốn trôi. Sau đó, để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực này, thành phố đã cho xây bịt kín.
Trao đổi với phóng viên, khá nhiều người dân sống cạnh khu vực có vòm cầu đồng thuận với chính quyền thành phố, bởi khi khơi thông các vòm cầu sẽ tạo thêm không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân Thủ đô, kích cầu du lịch, đồng thời giải quyết nhu cầu đi lại và sinh hoạt của người dân.
Ông Nguyễn Văn Toàn trú tại 155 Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Việc xây bịt kín vòm cầu làm cho cảnh quan bị xấu đi rất nhiều. Việc mở lại những vòm cầu làm không gian văn hóa, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, sách... là sáng kiến rất hay. Tuyến phố chắc chắn sẽ đẹp hơn nhiều, không còn cảnh nhếch nhác gầm cầu.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Thời gian tới, UBND thành phố sẽ thực hiện một số dự án để tạo thêm không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân Thủ đô nói riêng, người dân cả nước nói chung. Việc phát huy giá trị di sản 131 vòm cầu đoạn từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên, trong đó có phố Gầm Cầu cũng nằm trong số các dự án này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!