Theo quy hoạch, đến năm 2030, 4 bến xe gồm: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm sẽ dừng hoạt động. Thay vào đó, Hà Nội sẽ đầu tư 7 bến xe khác ở khu vực ngoại thành. Điều đó có nghĩa để ra được bến xe, người dân ở khu vực trung tâm Hà Nội sẽ phải đi quãng đường xa, thậm chí gấp 2 lần so với hiện nay. Chính vì thế, Bộ Giao thông Vận tải, nhiều chuyên gia giao thông đã góp ý về việc không nên đưa toàn bộ bến xe ra khỏi vành đai 4.
Một điều khó hiểu khác về quy hoạch bến xe khách liên tỉnh tại Hà Nội là trong khi đưa ra lý do bến xe Mỹ Đình, bến xe Nước Ngầm phải di dời vì nằm sát đường vành đai 3, nơi được xem khu vực lõi của đô thị trung tâm, Hà Nội lại đồng ý cho xây dựng bến xe Yên Sở cũng nằm ở vị trí tương tự. Hiện tại cũng như lâu dài, việc có nhiều bến xe bao giờ cũng tốt hơn có ít bến xe, qua đó người dân có quyền lựa chọn và doanh nghiệp vận tải có thể xây dựng kế hoạch kinh doanh lâu dài.
Bỏ qua đóng góp của Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan quản lý cao nhất về giao thông, cũng như những băn khoăn của các chuyên gia giao thông và doanh nghiệp vận tải, Hà Nội vẫn quyết thực hiện quy hoạch bến xe khách liên tỉnh như đã xây dựng. Điều này thật khó để thuyết phục dư luận là việc quy hoạch bến như hiện nay hoàn toàn vì mục đích đảm bảo sự thuận tiện đi lại cho người dân và góp phần phát triển giao thông tại Thủ đô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!