Hàng loạt dự án BOT giao thông trước nguy cơ "vỡ trận"

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 26/03/2017 10:04 GMT+7

VTV.vn - Với việc nhiều nhà đầu tư đã và đang có ý định rút lui khiến hàng loạt các dự án BOT giao thông hiện đứng trước nguy cơ "vỡ trận".

Mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã ra công văn hỏa tốc gửi tới các đơn vị liên quan thông báo dự kiến chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Dự án BOT xây dựng cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

Lý do cho sự việc này xuất phát từ việc tính đến đầu tháng 3 năm nay, liên danh nhà đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này do Công ty cổ phần đầu tư UDIC đứng đầu mới chỉ huy động được 550 tỷ đồng trên gần 1.300 tỷ đồng vốn chủ sở hữu theo quy định của hợp đồng BOT. Trong khi đó, toàn bộ vốn tín dụng cho dự án lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, hiện mới chỉ dừng ở mức cam kết chung chung.  

Hàng loạt dự án BOT giao thông trước nguy cơ vỡ trận - Ảnh 1.

Với việc nhiều nhà đầu tư "tháo chạy", hàng loạt các dự án BOT giao thông hiện đứng trước nguy cơ "vỡ trận".

Nếu như vài năm trước, xây dựng các dự án đường giao thông lớn theo hình thức BOT đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư và nhờ đó hệ thống giao thông trong cả nước đã có những thay đổi mang tính đột phá, thế nhưng nay "mảnh đất" này đang trở nên kém hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.

"Vỡ trận" là dự báo của tờ Lao động đối với tương lai của hàng loạt các dự án BOT giao thông khi mà các nhà đầu tư tháo chạy khỏi cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tới việc Tasco tuyên bố ngừng đầu tư cho lĩnh vực này. Không chỉ vậy, nhà đầu tư các dự án như cầu Hạc Trì - Phú Thọ, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng muốn rút ra khỏi cuộc chơi.

Giải thích cho việc các nhà đầu tư thi nhau "tháo chạy", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết nguyên nhân quan trọng nhất là do thiếu vốn. Hiện nay ngân hàng đã siết không cho vay nữa vì cảm thấy không hiệu quả mà rủi ro lớn. Mặt khác, cơ chế triển khai các dự án BOT đang khắc phục các lỗ hổng nên sẽ siết lại chặt hơn, khiến các nhà đầu tư "thấy khó ăn thì rút".

Cũng với quan điểm trên, tờ Thanh Niên cho biết, quy định siết chặt của Chính phủ khiến BOT không còn là miếng bánh béo bở, dẫn đến cuộc tháo chạy khỏi dự án BOT của nhiều nhà đầu tư. Lãnh đạo một doanh nghiệp cho hay, nhiều nhà đầu tư rơi vào khó khăn do cơ chế chính sách không thống nhất cùng với việc thanh kiểm tra hành chính liên tục. Đặc biệt, nhiều tuyến BOT nguy cơ vỡ trận do thu không đủ chi. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.

Hàng loạt dự án BOT giao thông trước nguy cơ vỡ trận - Ảnh 2.

Nếu không gỡ được nút thắt vốn, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng có nguy cơ đình trệ rất lớn, không chỉ cao tốc Bắc - Nam mà cả dự án sân bay Long Thành và nhiều dự án lớn khác

Việc huy động vốn trong nước là rất khó khăn, trong khi đó việc thuyết phục các nhà đầu tư ngoại cũng không hề dễ dàng. Cụ thể, các nhà đầu tư ngoại có những yêu cầu về mức lãi trong lĩnh vực đầu tư cở hạ tầng rất cao, khoảng gần 20%, kèm theo một số điều kiện bảo lãnh vì lĩnh vực hạ tầng có rất nhiều rủi ro.

Mới đây, một chuyên gia giao thông đã cho biết, nếu không gỡ được nút thắt vốn, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng có nguy cơ đình trệ rất lớn, không chỉ cao tốc Bắc - Nam mà cả dự án sân bay Long Thành và nhiều dự án lớn khác. 

Ước tính nhu cầu về vốn cho giao thông trong 4 năm tới lên đến 1 triệu tỷ đồng, nhưng ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được gần 1/3, chính vì vậy tuần trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT phải sửa đổi ít nhất 6 nghị định để huy động được đủ vốn cho giao thông. 

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước