Hiệp định Paris và những phiên đàm phán bí mật

Ngọc Hà -Thứ hai, ngày 21/01/2013 09:25 GMT+7

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, đại diện đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ, Tiến sĩ Henry Kissinger chúc mừng nhau sau lễ ký tắt. Ảnh tư liệu

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký cách đây 40 năm là kết quả của cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam và có lẽ cũng là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới, với thời gian kéo dài tới gần 5 năm để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX.

Như với bất cứ sự kiện lịch sử nào, độ lùi về thời gian càng lớn, sự đánh giá càng trở nên toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Qua câu chuyện với những nhân chứng - những người trực tiếp tham gia đàm phán và các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ làm sáng tỏ hơn ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Paris, nhất là đối với Đại thắng mùa Xuân 1975.

Nhà ngoại giao Võ Văn Sung nay đã 86 tuổi vẫn rất minh mẫn khi nhớ về những ngày ông hoạt động ở nước Pháp cách đây hơn 40 năm. Khi đó, ông là thành viên của đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Từ tháng 5/1968, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ bắt đầu đàm phán tại Paris. Tại một ngôi nhà ở thị trấn Gif -sur -Yvette, ở ngoại ô Paris đã diễn ra các cuộc gặp bí mật giữa Trưởng đoàn đàm phán Lê Đức Thọ với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Tại đây, phía Mỹ đã chấp nhận một Dự thảo Hiệp định mà hai bên đều có thể chấp nhận được.

Ông Võ Văn Sung, Nguyên thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhớ lại: “Tháng 10/1972 là khi chúng ta thoả thuận Dự thảo Hiệp định Paris, bản Dự thảo đó được ký tắt và rất phù hợp với lập trường của ta và Mỹ. Tại sao như vậy, là vì Nixon đang ra tranh cử trở lại mà ông ấy muốn dùng kết quả ký tắt với Việt Nam để cho nhân dân Mỹ biết ông ấy sẽ đem lại hòa bình và chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam”.

Dự thảo Hiệp định Paris về cơ bản đã được hai bên hoàn thành từ tháng 11/1972. Những tưởng hoà bình đã cận kề, nhưng phía Mỹ bất ngờ “tráo trở”, đòi thay đổi nhiều nội dung trong Dự thảo Hiệp định sau khi Nixon trúng cử Tổng thống. Một chiến lược không kích bằng B52 mang tính huỷ diệt dội xuống Hà Nội hòng gây sức ép trên bàn đàm phán đã không đem lại thành công cho nước Mỹ.

Ông Võ Văn Sung cũng cho biết: “Điện Biên Phủ trên không kết thúc 29/12 thì ngày 30/12, đại diện của phía Mỹ gặp tôi nói: “Hôm nay tôi xin gặp ông, ông tiếp tôi được không?”. Tôi có nói: “Chúng tôi gặp nhau thường xuyên là để đàm phán hoà bình, nhưng bây giờ Mỹ đem B52 ném bom Hà Nội thì ông có ngượng không thì ông ấy cúi đầu. Sau khi cúi đầu ông ấy có đề nghị hai đồng chí Hữu Thọ và Kissinger gặp nhau lại để hoàn thành Hiệp định để ký kết. Và hai bên cùng chuẩn bị, tức là lấy lại Hiệp định cũ đã ký tắt cho có lệ”.

Hiệp định Paris chính thức được ký kết ngày 27/1/1973, nhưng trước đó 4 ngày, toàn văn Hiệp định đã được cố vấn Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Kissinger ký tắt, trong đó Mỹ chấp nhận phải rút quân khỏi Việt Nam.

Theo PGS, TS Vũ Dương Huân, Nguyên Giám đốc Học viện quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao: “Đặc thù của Hiệp định Paris là ta vừa có những phiên đàm phán công khai, vừa đàm phán bí mật. 220 phiên đàm phán công khai và 36 phiên đàm phán bí mật. Nhưng phán bí mật giữa đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Xuân Thuỷ với Kissinger giai đoạn sau mới là đàm phán thực chất, trao đổi kỹ chi tiết và đưa đến Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. 8/10 ta ngả bài, thì đấy mới là đàm phán thực chất, giải quyết vấn đề”.

Thắng lợi của Hiệp định Paris buộc Mỹ phải rút quân, chấm dứt sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài tồn tại hơn 100 năm trên đất nước ta. Tạo tiền đề để quân và dân cả nước làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành lại sự toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước