Đây là kết quả ấn tượng khi so với tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch trên toàn quốc mới chỉ chiếm khoảng 50%. Tất cả nhờ sự chủ động trong phòng trào xã hội hóa nước sạch tại địa phương.
23 nhà máy nước mới được xây dựng, 30 dự án nâng cấp đã được chuyển giao cho doanh nghiệp trong quá trình xã hội hóa nước sạch. Bất kỳ nhà dân nào tại tỉnh Thái Bình cũng có nước sạch. Đó là những con số sau 4 năm triển khai chương trình xã hội hóa nước sạch tại địa phương này, đưa Thái Bình trở thành đơn vị đi đầu cả nước về việc triển khai nước sạch tới cho người dân.
Nhiều nhà máy nước sạch ở các vùng nông thôn Thái Bình sử dụng công nghệ khá hiện đại. Nhà máy nước sạch ở huyện Đông Hưng với tổng mức đầu tư hơn 160 tỷ đồng, công suất 130.000 m3/ngày đêm; cung cấp nước cho người dân 13 xã của huyện.
Hầu hết các công đoạn của nhà máy đều được xử lý qua một hệ thống giám sát tự động. Nước sạch về làng đã mang đến sự thay đổi lớn trong cuộc sống người dân.
Cách đây khoảng 4 năm, Thái Bình đã quyết định không dùng vốn của chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp trên địa bàn.
55 nhà máy nước sạch trên địa bàn 8 huyện, thành phố được tỉnh Thái Bình tạo điều kiện tối đa. Doanh nghiệp không những không mất tiền thuê đất trong 50 năm mà còn được tỉnh hỗ trợ khoảng 30% kinh phí đầu tư.
Sự vào cuộc của chính quyền, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân đã góp phần mang lại những hiệu quả tích cực và bền vững cho phong trào xã hội hóa nước sạch ở Thái Bình.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!