"Họp chợ" tại quốc lộ 1A: Bất chấp nguy hiểm?

Trung Nghĩa-Chủ nhật, ngày 21/04/2013 14:45 GMT+7

Ảnh minh họa (Nguồn: Phan Chung/tuoitre.vn)

Mọi nỗ lực giải tỏa, di dời chợ quê, chợ tự phát lấn chiếm hành lang an toàn quốc lộ 1A đoạn qua các tỉnh miền Trung vẫn chưa có chuyến biến tích cực, thậm chí tình trạng này đã nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.

Tại khu chợ ven quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, từ 17 - 20h hàng ngày là thời gian đông đúc nhất, kẻ bán người mua tấp nập, trong đó đa phần là công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn. Đây cũng là thời điểm có nhiều loại phương tiện giao thông lưu thông trên đường.

Bà Đỗ Thị Làn một người dân tại xã Tịnh Phong cho biết: “Họp chợ thế này nguy hiểm lắm, gần đây nhất là tai nạn làm chết một cháu nhỏ. Tôi rất mong các cán bộ chức năng xây dựng chợ rộng hơn, đất bên trong không thiếu”.

Ai cũng có thể thấy được nguy hiểm, nhưng ai cũng bất chấp tính mạng của mình để có được sự tiện lợi khi dừng lại bên đường để mua bán. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra tại các chợ ven quốc lộ, tuy nhiên những tai nạn đó vẫn không thể trở thành "nỗi ám ảnh" của nhiều người. Họ vẫn thản nhiên hoặc bất chấp những hiểm họa rình rập để phục vụ cho cái lợi trước mắt. Ở nhiều đoạn đường, chợ vẫn lấn quốc lộ từ ngày đến đêm mà không hề có lực lượng chức năng giải tỏa.

Ông Trần Văn Ba, người dân huyện Núi Thành cho biết: “Sáng họp chợ, người bán và người mua đều tràn ra đường, công nhân thì đi lại, nguy cơ tai nạn rất dễ xảy ra”.

Ban Thanh tra đường bộ III cho biết một số điểm nóng mất an toàn giao thông do chợ cóc, chợ tạm gây ra đã được giải tỏa như chợ Nam Ô, chợ Quán Gò, chợ Xuân Lộc… Tuy nhiên, thống kê hiện còn tới 36 chợ tạm, chợ cóc ven quốc lộ 1A đoạn từ Đà Nẵng tới Khánh Hòa chưa được giải tỏa.

Rất nhiều lý do đã được đưa ra nhằm biện minh cho việc họp chợ gây mất an toàn hành lang đường bộ hiện nay.

Ông Lê Đức Vỹ, Trưởng ban Thanh tra đường bộ III, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Muốn lập lại trật tự và giải quyết triệt để, cần phải di dời chợ tới nơi khác rất tiếc là nhiều địa phương vẫn chưa làm được, hiện tại mới chỉ có số ít chợ được di dời”.



Ngoài ra, tập tục và thói quen mua bán của người dân cũng được cho là những nhân tố gây cản trở lớn cho quá trình xử lý dẹp bỏ các chợ cóc, chợ tạm ven quốc lộ. Điều trái ngược thấy rõ hiện nay là ở nhiều vùng quê hiện nay có những khu chợ xây lên rồi để trống, không người vào buôn bán, nhưng nói đến di dời chợ ven quốc lộ lại ì ạch vì thiếu kinh phí.

Trong khi đó, tại các khu chợ đêm ven quốc lộ, dòng người vẫn thản nhiên mua bán, trao đổi, băng qua đường, mặc cho các loại phương tiện giao thông đang đi lại với tốc độ nhanh. Có lẽ vì ý thức của người dân cũng như sự không dứt khoát của các cơ quan chức năng mà những “cung đường đen” trên quốc lộ cũng sẽ dài hơn và nhiều hơn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước