Hủy bỏ, thu hồi quyết định không đúng về cán bộ: Khắc phục “chuyện đã rồi”, “chợ chiều”, “hạ cánh an toàn”

Duy Cường-Thứ ba, ngày 15/05/2018 17:51 GMT+7

VTV.vn - Theo ông Nguyễn Đức Hà, quyết tâm hủy bỏ, thu hồi những quyết định không đúng về cán bộ sẽ tác động tích cực đến công tác cán bộ trong thời gian tới.

"Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ" là một trong rất nhiều các thông điệp mạnh mẽ về công tác tổ chức cán bộ được phát đi từ Hội nghị Trung ương 7 vừa bế mạc vừa qua.

Nó cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong mục tiêu đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công khai minh bạch trong công tác cán bộ. Từ đó giúp lựa chọn chính xác những cán bộ vừa có tài, có đức cho các vị trí quan trọng từ Trung ương đến địa phương. Cũng như thể hiện sự quyết tâm trong việc xử lý những quyết định bổ nhiệm không đúng quy định, quy trình, không đúng thẩm quyền trong thời gian qua.

Hủy bỏ, thu hồi quyết định không đúng về cán bộ: Khắc phục “chuyện đã rồi”, “chợ chiều”, “hạ cánh an toàn” - Ảnh 1.

"Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ" là một trong rất nhiều các thông điệp mạnh mẽ về công tác tổ chức cán bộ được phát đi từ Hội nghị Trung ương 7 vừa bế mạc vừa qua

Để hiểu rõ hơn về câu chuyện này, Báo điện tử VTV News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương.

Hội nghị Trung ương 7 vừa mới bế mạc với một loạt những thông điệp mạnh mẽ đặc biệt về công tác cán bộ. Trong đó có thông điệp "Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ". Ông nhìn nhận như thế nào về thông điệp này đặc biệt khi nó được Tổng Bí thư truyền tải trong toàn văn lễ bế mạc Hội nghị?

- Hội nghị Trung ương 7 vừa qua, Trung ương đã thảo luận và thống nhất rất cao việc ban hành một nghị quyết, đó là Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Nhất là "cấp chiến lược" phải có đủ phẩm chất năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Trong đề án lần này có rất nhiều điểm mới, bởi vì trước khi ban hành Nghị quyết, Trung ương có tổng kết lại 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa 8. Lần này Trung ương tập trung vào xây dựng đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp.

Trong đó đặc biệt nhấn mạnh về đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Đây được xem là bước để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 13 của Đảng.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt nhấn mạnh đến một số trọng tâm như: Phải chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, phải siết chặt kỷ luật kỷ cương; Đồng thời tạo môi trường cơ chế để mà thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ cho phát triển; Tăng cường việc phân công, phân cấp đi đôi với việc tăng cường kiểm soát, kiểm tra giám sát và kiểm soát quyền lực để đảm bảo công tác cán bộ được thực thi đúng đắn, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai minh bạch.

Hủy bỏ, thu hồi quyết định không đúng về cán bộ: Khắc phục “chuyện đã rồi”, “chợ chiều”, “hạ cánh an toàn” - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương

Đồng thời lần này, Trung ương cũng có thảo luận và xác định 5 khâu đột phá. Trong đó nổi bật là: Phải đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ; Phải tăng cường kiểm soát quyền lực; Phải thực hiện mạnh mẽ việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương..

Điều đáng nói, không phải đến Hội nghị Trung ương 7, mà ngay từ sau Đại hội 12 của Đảng, Ban chấp hành Trung ương mà thường xuyên trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung vào chấn chỉnh công tác cán bộ.

Việc chấn chỉnh công tác cán bộ này đã được cụ thể hóa bằng việc rà soát bổ sung sửa đổi hoàn thiện lại các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Xem chỗ nào còn khiếm khuyết, chỗ nào còn hở, chỗ nào chưa chặt chẽ, thậm chí chỗ nào còn chưa phù hợp nữa thì phải điều chỉnh.

Từ sau Đại hội 12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bổ sung, sửa đổi ban hành một loạt các quy định về công tác cán bộ: Quy định 89, Quy định 90, Quy định 98, Quy định 102, Quy định 105. Đặc biệt Bộ Chính trị ban hành thông báo Kết luận số 43: "Phải thu hồi, hủy bỏ các quyết định không đúng về công tác cán bộ từ tháng 6/2012 đến nay.

Sở dĩ lấy mốc tháng 6/2012, bởi tại thời điểm này, Bộ Chính trị ban hành kết luận số 24 về đẩy mạnh công tác quy hoạch đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ để đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ.

Có một điểm nhấn trong công tác cán bộ được rất nhiều người quan tâm là việc xem lại quyết định về công tác cán bộ sẽ được tiến hành như thế nào? Hai chữ "không đúng" ở đây được hiểu ra sao?

Quyết định không đúng về công tác cán bộ có thể biểu hiện ở nhiều điểm: Không đúng quy trình, không đúng thẩm quyền, quyết định với cán bộ đó không đủ tiêu chuẩn, không đảm bảo điều kiện, không đảm bảo tiêu chuẩn…

Sau khi có thông báo Kết luận số 43 của Bộ Chính trị, từ Trung ương, nhiều địa phương đến các bộ ngành đã rà soát kiểm tra. Cái nào không đúng, không đảm bảo tiêu chuẩn, không đúng quy trình, không đủ điều kiện đều phải xử lý. Trên thực tế nhiều địa phương đã rà soát và nhiều quyết định đã được thu hồi.

Thưa ông, việc xử lý những quyết định "không đúng" cũng như những người ký các quyết định này sẽ được tiến hành như thế nào?

Sở dĩ có quyết định thu hồi, hủy bỏ xuất phát từ việc trong những năm qua, xuất hiện tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đúng, không đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn. Thậm chí nó liên quan đến người nhà, người thân cán bộ. Điều này làm giảm động lực những người có đủ trình độ, năng lực, tâm huyết không được bổ nhiệm.

Hủy bỏ, thu hồi quyết định không đúng về cán bộ: Khắc phục “chuyện đã rồi”, “chợ chiều”, “hạ cánh an toàn” - Ảnh 3.

Thời gian qua có nhiều trường hợp như vậy được dư luận phản ánh, tạo dư luân không tốt đặc biệt là tình trạng "chạy chức, chạy quyền". Chính vì điều này, Bộ Chính trị đã phải cử nhiều đoàn đi kiểm tra, một số bộ ngành, địa phương. Sau khi kiểm tra về tổng hợp lại, Bộ Chính trị thấy tình trạng này xảy ra không phải là ít, mà là khá nhiều. Do vậy Bộ Chính trị đã phải ra thông báo kiểm tra rà soát việc bổ nhiệm cán bộ từ tháng 6/2012 để xem xét lại.

Về phương hướng xử lý, khi xem xét từng trường hợp cần sức cụ thể và chi tiết. Trường hợp này thiếu cái gì? Có thể châm chước được không. Trường hợp khác không đảm bảo cái này, không đảm bảo cái kia, lý do vì sao? Lý do chủ quan hay khách quan, lý do thế nào? Qua đó xử lý đứng đắn với từng trường hợp, không chụp mũ. Ngay cả con em cán bộ lãnh đạo, nếu đủ tài đủ đức, không nên định kiến và vơ đũa cả nắm.

Song nếu ngược lại dùng người nhà, người thân, họ hàng mà không đảm bảo đủ điều kiện thì dứt khoát phải thu hồi.

Trước hết các quyết định đó phải được hủy bỏ, sau đó xem xét lại trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Làm rõ đây là trách nhiệm của cá nhân hay tập thể. Đã làm rõ thì phải xử lý. Trong thời gian qua, nhiều trường hợp xử lý trách nhiệm người đứng đầu hay tập thể đã được thực hiện ở Bình Định, Thanh Hóa, Tây Nam Bộ…

Với quyết tâm "Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ", theo ông sẽ tác động thế nào trong công tác cán bộ trong thời gian tới?

Rõ ràng khi xử lý những trường hợp không đủ đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn, không đảm bảo quy trình, không đúng thẩm quyền, chúng ta phải thu hồi và xử lý nghiêm. Điều này tạo thành một nề nếp trong công tác cán bộ.

Công tác cán bộ cần phải đảm bảo được trên các quan điểm: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ; Phải chú ý cả đức và tài, trong đó phải lấy đức là gốc; Phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch, công khai.

Cần phải nghiêm túc thực hiện trên các quan điểm này bởi nó sẽ giúp chấn chỉnh công tác cán bộ, đưa công tác cán bộ trở thành nề nếp, trở thành động lực.

Trong trường hợp ngược lại, việc bố trí không đúng cán bộ, hoặc bố trí sai sẽ để lại hệ lụy rất phức tạp, rất lâu dài, rất khó khăn. Làm mất động lực của cán bộ dân chủ. Đặc biệt việc bố trí sai người đứng đầu để lại hệ lụy lớn, không thể khắc phục được trong ngày một ngày hai. Bởi một người cán bộ không tốt, song có thể tạo ra một lớp cán bộ tiếp theo không tốt.

Khắc phục được tình trạng lâu nay coi như chuyện đã rồi (đồng chí A, B đã nghỉ hưu, cho qua…) Nếu việc đã làm mấy năm rồi, nhưng giờ phát hiện vẫn cứ phải xử lý, khắc phục được  tư tưởng chợ chiều, cho qua, nể nang, hạ cánh an toàn…cho qua. Giờ không thể cho qua.

Có ý kiến cho rằng, qua HN lần này, những quy định về công tác cán bộ được bổ sung và hoàn thiện rất mạnh từ cơ chế, đặc biệt là việc xác định chiến lược cán bộ, đến xử lý đến các biện pháp xử lý nhằm hạn chế tối đa những vấn nạn như "chạy chức, chạy quyền", "người nhà hơn người tài"… Ý kiến của ông ra sao về quan điểm này?

Qua thực tiễn có thể thấy, trong nửa nhiệm kỳ đầu, chúng ta đã vừa ban hành mới, vừa bổ sung sửa đổi bổ sung ban hành rất nhiều quy chế, quy định để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Với tinh thần siết chặt kỷ luật kỷ cương của đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước.

Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, chúng ta cần cố gắng hoàn thiện quy chế quy định, quy trình về công tác cán bộ để làm nó hoàn thiện, chặt chẽ để về sau cứ thế mà thực hiện.

Bây giờ quan trọng nhất là phải bổ sung hoàn thiện cơ chế để kiểm soát quyền lực như đồng chí Tổng Bí thư nói "Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế".

Hủy bỏ, thu hồi quyết định không đúng về cán bộ: Khắc phục “chuyện đã rồi”, “chợ chiều”, “hạ cánh an toàn” - Ảnh 4.

Nhưng để đan "cái lồng" này cần phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. "Cái lồng" này còn nhiều thứ phải làm: Đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực? Kiểm tra giám sát tài sản thế nào, thu nhập thể nào?

Trong Luật Phòng, chống tham nhũng tới đây, chúng ta cũng cần phải bổ sung sửa đổi thêm. Lâu nay chúng ta chỉ nói về vấn đề tham nhũng về kinh tế, còn tham nhũng về quyền lực, chính trị thì sao?

Tham nhũng quyền lực, chính trị không thể tính được bằng tiền, không biết thế nào mà tính, không có giá trị nào để đo nên rất nguy hiểm.

Do vậy phải hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực để tất cả quyền lực của người có chức có quyền phải được kiểm soát với nguyên tắc. Mọi quyền lực phải được kiểm soát trên cơ sở công khai, minh bạch.

Xin cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước