Nguyễn Hải Dương đứng không vững khi bị tuyên án tử (Ảnh: Zing News).
Đề cử nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 13 sáng 14/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết tại Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương về kết quả chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương; nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.
Trung ương sẽ bỏ phiếu biểu quyết danh sách các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI (cả chính thức và dự khuyết) trong độ tuổi và các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII. Đồng thời, Trung ương cũng bỏ phiếu biểu quyết đề cử các đồng chí đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII; bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.
Theo quy trình công tác nhân sự, các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI (cả chính thức và dự khuyết) viết phiếu giới thiệu các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi ứng cử 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Việt Nam hoan nghênh Thỏa thuận Paris được thông qua
Trước việc Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đối khí hậu (COP 21) đã nhất trí thông qua Thoả thuận Paris vào ngày 13/12, ngày 14/12, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh:
"Việt Nam vui mừng và hoan nghênh việc Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) đã nhất trí thông qua Thỏa thuận Paris.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, từ nhiều năm qua, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, chủ động đưa ra các cam kết trong lĩnh vực này, đồng thời tham gia tích cực và thực chất vào tiến trình đàm phán Thỏa thuận Paris, cùng với các nước nỗ lực vì mục tiêu chung đồng thời bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Việt Nam cho rằng cộng đồng quốc tế cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác hiệu quả nhằm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Thỏa thuận Paris, trong đó các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận này".
Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm để tăng lương
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành sắp xếp các nhiệm vụ chi để từ ngày 1/1/2016, sẽ điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu , trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995.
Từ ngày 1/5/2016, điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bảo đảm mức lương của người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức hiện hưởng.
Từ 15h ngày 18/12, giá xăng Ron 92 và E5 cùng giảm 391 đồng mỗi lít
Thông báo mới phát đi của Liên Bộ Tài chính - Công Thương cho biết, kể từ 15h ngày 18/12, giá xăng Ron 92 và xăng sinh học E5 sẽ cùng giảm 391 đồng/lít. Trong khi đó, mặt hàng dầu diesel 0,05S sẽ giảm cao nhất, lên tới 1.246 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.136 đồng/lít còn dầu mazút 3,5S giảm 942 đồng/kg.
Quyết định của Liên Bộ đưa ra cũng yêu cầu doanh nghiệp đầu mối trong nước giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn ở mức 300 đồng/lít. Như vậy, sau khi điều chỉnh, mức giá trần của xăng Ron 92 sẽ là 16.405 đồng/lít, trong khi xăng E5 không vượt quá 15.910 đồng/lít. Cũng theo công văn này, mức giá trần áp dụng đối với dầu diesel 0,05S là 11.984 đồng/lít; dầu hỏa cũng có giá tối đa là 11.065 đồng/lít trong khi dầu mazút 3,5S cao nhất là 8.162 đồng/kg.
Sẽ cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm tòa nhà 8B Lê Trực nếu thực hiện chậm
Tính đến ngày 10/12, chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực mới tháo dỡ được 50m2 sàn trên tầng tum của tòa nhà. Theo chủ đầu tư, nguyên nhân tháo dỡ chậm là do phần vi phạm ở trên cao, điều kiện thi công khó khăn do gần với nhà dân, nguy cơ tai nạn lao động cao.
Tại buổi giao ban báo chí diễn ra ngày 15/12, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, chủ đầu tư đã thực hiện quá chậm so với yêu cầu. Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội khẳng định, sẽ tiến hành cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm, nếu chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực thực hiện chậm.
Một năm sau vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng
Đúng một năm xảy ra sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, phóng viên VTV đã trở lại nơi này để ghi nhận về tình hình thi công thủy điện Đạ Dâng hiện nay.
Trong khi quá trình kiểm tra về thiết kế, an toàn hầm thủy điện của công trình thuỷ điện Đạ Dâng - Đạ Chomo vẫn đang được tiếp tục, tháng 10 vừa qua, công trình đã được phép thi công trở lại một số hạng mục. Đơn vị thi công cũng đã được thay đổi để đảm bảo an toàn cho công trình. Theo đó, hai đơn vị thi công được thay thế hai đơn vị cũ vẫn trực thuộc Tổng Công ty Sông Đà .
Sau khi được các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng thẩm định và kiểm tra, hiện nay, các hạng mục được phép thi công trở lại gồm: đường dây tải điện 22kV, nhà máy và kênh xả sau Nhà máy thủy điện Đạ Dâng, đường giao thông cho toàn bộ dự án. Riêng kênh dẫn nước và đường hầm - nơi có vị trí bị sập vào ngày 16/12/2014, hiện nay vẫn chưa được phép thi công trở lại.
Tử hình hai bị cáo thảm sát 6 mạng người ở Bình Phước
Ngày 17/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa lưu động xét xử vụ án giết hại 6 người trong một gia đình tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, xảy ra vào sáng 7/7, do bị cáo Nguyễn Hải Dương là chủ mưu.
Trong phần xét hỏi tại phiên tòa vào sáng 17/12, các bị cáo đều thừa nhận hành vi tội lỗi của mình đúng với nội dung buộc tội theo cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh Bình Dương. Quá trình phạm tội của các bị cáo bắt nguồn từ mâu thuẫn trong tình cảm dẫn đến hận tình của bị cáo Nguyễn Hải Dương.
Theo quan điểm của Viện kiểm sát, cơ quan giữ quyền công tố vụ án, Nguyễn Hải Dương là người chủ mưu và trực tiếp thực hiện hành vi giết chết 6 nạn nhân, cướp tài sản của gia đình ông Mỹ. Vũ Văn Tiến là người thực hiện hành vi dùng dây siết cổ các nạn nhân để Dương dùng dao đâm và là người thực hiện hành vi cướp tài sản. Trần Đình Thoại là người thực hành và giúp sức mua dao cho Dương, Tiến thực hiện hành vi giết người và cướp tài sản.
Riêng bị cáo Nguyễn Hải Dương có đến 6 tình tiết tăng nặng của tội giết người được quy định tại Khoản 1, Điều 93, Bộ luật Hình sự như: Giết nhiều người, giết trẻ em, thực hiện tội phạm một cách man rợ, phạm tội vì động cơ đê hèn, cướp tài sản.
Sau phần nghị án, vào lúc hơn 18h ngày 17/12, chủ tọa phiên tòa đã bắt đầu đọc lại tóm tắt nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước. Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với hồ sơ chứng cứ, các tài liệu khác, có đủ cơ sở kết luận 3 bị cáo phạm tội giết người và cướp tài sản.
Sau đó, Tòa đã tuyên án sơ thẩm đối với các bị cáo. Dương là kẻ chủ mưu, quyết tâm thực hiện hành vi đến cùng, mất hết tính người. Tiến tuy có ngăn cản Dương nhưng khi bị cáo nói “lỡ rồi” thì Tiến tích cực giúp sức gây hậu quả nghiêm trọng. Từ đó, Tòa tuyên phạt Dương và Tiến mức án tử hình về các tội giết người và cướp tài sản. Trần Đình Thoại từ 13 năm tù về tội giết người, 3 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là 16 năm tù.
Vụ sập giàn giáo Formosa: 3/4 bị cáo chưa học về xây dựng
Ngày 17/12 là ngày thứ hai TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử sơ thẩm vụ sập giàn giáo tại Công trường Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, 3/4 bị cáo thừa nhận chưa từng được học gì về lĩnh vực xây dựng. Các bị cáo Nguyễn Thái Đức, Nguyễn Anh Tuấn, Lee Jae Myeong đều khai nhận không có chuyên môn về xây dựng. Bị cáo Kim Jong Wook khai từng học tại một trường đại học xây dựng ở Pusan (Hàn Quốc ).
Điều này cho thấy, nguyên nhân xảy ra hậu quả nghiêm trọng trong vụ sập giàn giáo tại Formosa là do những người quản lý công trình đã bàng quan, vô trách nhiệm, coi thường tính mạng của công nhân, trong khi không có chuyên môn nghiệp vụ đào tạo về kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng.
Xét xử đại án thất thoát hơn 600 tỷ đồng ở Agribank Chi nhánh 7
Ngày 16/12, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh 7 (Agribank Chi nhánh 7).
Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến năm 2011, Phạm Trịnh Thắng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Mai Khôi), Dương Thị Kim Luyến (vợ Thắng, nguyên Giám đốc Công ty Mai Khôi) đã có hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ vay vốn, nâng khống vốn điều lệ, lập khống báo cáo tài chính, nhằm nâng lợi nhuận sau thuế, lập phương án kinh doanh hàng nghìn tấn gạo khống... để vay được vốn của ngân hàng. Cáo trạng quy buộc Thắng đã chiếm đoạt số tiền hơn 170 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 7.
Phạm Văn Cử (nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh 7), đã chỉ đạo cấp dưới tiếp nhận hồ sơ vay vốn của Công ty Mai Khôi; quyết định hợp đồng tín dụng với Công ty Mai Khôi khi hồ sơ chưa đảm bảo đúng theo quy định; không kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn nên không phát hiện Công ty Mai Khôi sử dụng vốn sai mục đích để chiếm đoạt tài sản; đồng ý cho Công ty Mai Khôi vay tiền để đảo nợ.
Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Agribank Chi nhánh 7 hơn 600 tỷ đồng.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!