So với năm 2015, năm 2016 sẽ giảm hơn 4.100 biên chế của các bộ, ngành và địa phương. Ảnh minh họa (Nguồn: ANTĐ)
Chủ tịch nước thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức
Sáng 24/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến CHLB Đức theo lời mời của Tổng thống Đức. Tại Đức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Đức Joachim Gauck, hội kiến với Thủ tướng Merkel và gặp gỡ chính giới, doanh nhân Đức nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai các cơ chế hợp tác song phương.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch nước đến CHLB Đức, các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai bên đã ký kết 6 thỏa thuận hợp tác: Hiệp định cho phép thân nhân thành viên cơ quan đại diện ngoại giao được làm việc có thu nhập; Hiệp định cấp Chính phủ về Hợp tác khoa học và công nghệ; Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định vận tải hàng không năm 1994; Bản ghi nhớ chung về hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp và Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Đức, Văn phòng đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Đức tại Việt Nam về Đối thoại thường xuyên; Hợp đồng cung cấp dịch vụ kỹ thuật sửa chữa động cơ máy bay A320 giữa Tập đoàn Lufthansa với VietJet Air.
Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2016
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của các cơ quan hành chính Nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016.
Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước năm 2016 của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) là 272.916 biên chế. Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016 là 686 biên chế.
Như vậy, so với năm 2015, năm 2016 giảm 4.139 biên chế của các bộ, ngành và địa phương; giữ nguyên biên chế dự phòng, các hội đặc thù và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Quốc hội thông qua Nghị quyết không cho phép bỏ môn Lịch sử
Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội ngày 27/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết yêu cầu tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. Trong Nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu "thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông".
Nghị quyết cũng yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh.
Quốc hội thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính
Sáng 24/11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. Trước đó, kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 282/366 số phiếu thu được tán thành với quy định về việc chuyển đổi giới tính theo quy định của luật và việc thay đổi hộ tịch, các quyền nhân thân khác sau khi cá nhân chuyển đổi giới tính.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, pháp luật Việt Nam cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc.
82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu được công nhận là Bảo vật Quốc gia
Tuần qua, 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã chính thức được công nhận là Bảo vật Quốc gia. 82 bia Tiến sĩ tương ứng với 82 khoa thi có niên đại từ năm 1484 - 1780 ghi tên các vị đỗ đại khoa tại các khoa thi. Những bản tư liệu gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là một trong những di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại. Đó cũng là những tư liệu chân thực, phản ánh bức tranh sinh động về chế độ đào tạo và tuyển dụng nhân tài ở Việt Nam kéo dài hơn 300 năm dưới thời Lê - Mạc.
Hệ thống 82 bia Tiến sĩ còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản ánh nghệ thuật điêu khắc của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng Triết học, Sử học, những quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.