Khai thác nước bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu

PV-Chủ nhật, ngày 29/03/2020 19:46 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, việc quy hoạch, phát triển các dự án xã hội hóa đầu tư nước sạch đóng vai trò quan trọng trong việc chống hạn mặn và đảm bảo phát triển bền vững.

Hạn mặn đang diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã vượt mốc lịch sử trăm năm. Toàn vùng bị ảnh hưởng, trong đó 5 tỉnh đã công bố tình trạng khẩn cấp; nhiều diện tích lúa, vườn cây, thủy sản, rau màu bị thiệt hại; hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt... Theo quan sát, tình trạng hạn mặn ở vùng ĐBSCL hiện đang diễn ra theo chu kỳ nhanh hơn và quy luật lũ, hạn mặn cũng trở nên thất thường hơn, đòi hỏi phải chủ động tìm ra giải pháp ứng phó lâu dài mang tính thích ứng để đảm bảo nguồn nước cho người dân.

Với tỉnh Kiên Giang là địa phương đã từng phải trải qua 27 ngày không có nước ngọt trong đợt hạn mặn 2016, chính quyền và ngành chức năng đã nhanh chóng xây dựng nhiều giải pháp đồng bộ để có thể đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho hay: "Từ tháng 10 năm 2019 thì tỉnh đã có chủ trương chủ động đắp các đập ngăn mặn. Do đó, đối với những vùng sử dụng nước mặt làm nước sinh hoạt thì hiện nay không bị ảnh hưởng gì, còn đối với các đảo thì chúng tôi xây hồ trữ nước nên dù mực nước đang xuống thấp hơn so với nhiều năm tuy nhiên theo tính toán trữ lượng hồ thì đến tháng 5 vẫn đảm bảo cấp nước cho bà con trên đảo".

Khai thác nước bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Nhiều biện pháp công trình và phi công trình đã được tỉnh Kiên Giang để ứng phó với hạn mặn.

Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, trong bối cảnh khó khăn khi dịch bệnh và hạn mặn đều diễn biến khó lường, tạo nên thách thức lớn đối với địa phương, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phù hợp để có thể ứng phó với tình hình thực tế. Cụ thể, tỉnh đã thực hiện những giải pháp công trình cấp nước song song với những giải pháp phi công trình. Theo ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, các giải pháp công trình là những biện pháp thực tiễn để có thể trữ nước cho cả vùng khi lượng nước từ ĐBSCL chảy về đang rất thiếu. Giải pháp công trình ở đây là hệ thống cống ven biển, không phải cống ngăn mặn mà là kiểm soát mặn, trữ ngọt.

Khai thác nước bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Cần ưu tiên các dự án xã hội hóa đầu tư nước sạch áp dụng công nghệ mới để giải quyết vấn đề nước cho người dân.

Theo các chuyên gia, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền, của người dân, thì trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp nước sạch cũng không thể thiếu. Bởi bài toán cân bằng tổng thể và yêu cầu "chi phí - lợi ích" cũng như nguyên tắc "không hối tiếc" cần được đặt ra trước tiên cho bất kỳ một quyết định đầu tư công trình nào. Các chuyên gia cũng cho rằng, những địa phương đang tập trung phát triển việc xã hội hóa lĩnh vực sản xuất và cung cấp nước sạch thì cần ưu tiên các dự án với công nghệ mới, áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường, chú trọng khai thác tài nguyên nước mặt thay vì nước ngầm, với những điều chỉnh và quy hoạch hợp lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước