Khai thông các nguồn lực để đất nước phát triển nhanh và bền vững

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 26/11/2019 18:17 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Việc tận dụng được thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ cho phép biến nhiều nguồn tài nguyên từ dạng tiềm năng trở thành động năng cho phát triển.

Hôm nay (26/11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đăng bài viết với tiêu đề: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững".

VTV.VN xin giới thiệu 4 định hướng lớn trong bài viết mà Thủ tướng đã nêu ra:

Định hướng đầu tiên là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, xác định đúng các hướng lựa chọn ưu tiên để khai thác và giải phóng tối đa, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực gắn với phát triển ngành, nghề mới trên cơ sở nắm bắt, tận dụng tối đa cơ hội mở ra của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư cho phép có thể biến phế thải thành nguồn đầu vào cho phát triển công nghiệp môi trường. Bởi vậy phải từng bước hình thành nền kinh tế tuần hoàn thay cho nền kinh tế tuyến tính vốn gây nhiều hệ lụy cho môi trường.

Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang thúc đẩy hình thành nền kinh tế số, mà ở đó tài nguyên số đóng vai trò cốt lõi cho sự phát triển và khai thác hạ tầng số, thị trường số, dịch vụ số, tạo nên những mô hình sản xuất kinh doanh hoàn toàn mới vượt khỏi quy luật kinh doanh thông thường.

Trong bài viết, cùng với tôn trọng lợi ích kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phải khơi dậy được động lực văn hóa - tinh thần.

Trong bài viết Thủ tướng nhấn mạnh: Nếu như lợi ích kinh tế tạo ra động lực để thúc đẩy con người hành động, thỏa mãn nhu cầu của chính họ và đóng góp cho xã hội, thì giá trị văn hóa - tinh thần lại làm cho mỗi con người luôn vượt lên lợi ích cá nhân để khẳng định các giá trị theo đuổi, tự nguyện bằng tất cả sự xả thân vì danh dự, nhân phẩm, dấn thân cho dân tộc, phụng sự nhân dân bằng tất cả năng lực nội sinh vốn có.

Cùng với đó là tôn vinh, khen thưởng kịp thời người xứng đáng, không phân biệt khu vực công hay khu vực tư, đặc biệt là khắc phục định kiến cũ, chủ nghĩa bình quân khiến cho tài năng bị thui chột, triệt tiêu các động lực phát triển.

Định hướng thứ hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra, đó là tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, bảo đảm cho nguồn lực tự nhiên như đất đai, nước, khoáng sản được khai thông, giải phóng tối đa, vận hành thông suốt, phân bổ và sử dụng có hiệu quả theo cơ chế thị trường để phục vụ cho trước mắt và tính toán cả dự trữ cho tương lai.

Trước mắt, phải tháo gỡ các nút thắt của cơ chế, chính sách khiến cho không ít nguồn lực chưa được khai thông, chậm được vốn hóa, cốt lõi là bảo đảm vai trò chủ yếu của thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, chống các hiện tượng bao cấp, phi thị trường. Nhất là phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các chủ thể của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó để nguồn lực đến đúng địa chỉ có khả năng sử dụng hiệu quả.

Định hướng thứ 3, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động tốt hơn nguồn lực ngoài nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư công và hoạt động kinh doanh vốn nhà nước.

Đầu tiên là hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách huy động nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng.

Bên cạnh đó, cũng phải có kế hoạch để khuyến khích, hỗ trợ nhóm doanh nghiệp dẫn đầu thuộc khu vực kinh tế tư nhân vươn ra thị trường và thế giới, bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước. Phát huy vai trò dẫn dắt "vốn mồi" của đầu tư công để thu hút tư nhân tham gia các công trình đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc phải chủ động nắm bắt, tận dụng tối đa xu hướng dịch chuyển ngành, nghề gắn với dịch chuyển nguồn lực đang diễn ra để nâng cao năng lực thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực bên ngoài, hấp thu và chuyển hóa ngoại lực thành nội lực

Tuy nhiên, phải sử dụng có hiệu quả, tránh để gánh nặng nợ nần cho các thế hệ tương lai, việc thu hút đầu tư FDI cần chuyển trọng điểm từ số lượng sang coi trọng chất lượng, ưu tiên các dự án tạo giá trị gia tăng cao, có công nghệ và mô hình quản trị hiện đại.

Một điều quan trọng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, đó là phải nắm vững quan điểm nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, hấp thu và chuyển hóa ngoại lực thành nội lực khi xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thu hút nguồn lực bên ngoài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước