Phát huy tối đa nếu hạ tầng đồng bộ
Vào 1/1/2017, tuyến xe bus nhanh (BRT) từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, về mặt lý thuyết, xe bus nhanh có những rất nhiều các ưu điểm như: Mức đầu tư thấp (nếu so với tàu điện ngầm hay tàu điện trên cao), giúp giảm được phương tiện cá nhân từ đó hạn chế được tình trạng ùn tắc, tốc độ nhanh hơn so với xe bus thường… Tuy nhiên, xe bus nhanh sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất nếu có điều kiện hạ tầng đồng bộ.
Chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy
Ông Thủy cho biết, điều kiện xe bus nhanh phát huy hết ưu điểm về tốc độ là mặt đường phải rộng, từ 25-30m trở lên, thậm chí là 30-40m bởi mặt đường rộng mới có thể tạo được làn đường riêng cho xe bus nhanh mà không ảnh hưởng đến được việc đi lại của phương tiện khác. Khi Hà Nội mở rộng ra nhiều phía như Hà Tây, Ba Vì, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… sẽ hình thành nhiều tuyến phố mới có diện tích mặt đường rộng rãi và đây là mảnh đất tốt nhất để xe bus nhanh "dụng võ".
Bên cạnh vấn đề giảm thiểu ùn tắc, xe bus nhanh còn có một nhiệm vụ khác là kết nối người hành khách với các phương tiện khác. Cụ thể, sau khi kết thúc với xe bus nhanh, hành khách cần nhanh chóng tiếp cận được các phương tiện khác như xe bus thường, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao… Theo ông Thủy, làm được điều này mới có thể phát huy tối đa hiệu quả của xe bus nhanh cũng như tạo ra sở thích của người dùng cho loại phương tiện này.
Xe bus nhanh phát huy hiệu quả cao nhất khi có một cơ sở hạ tầng đồng bộ
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh, nếu hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao ở Hà Nội đi vào hoạt đông, xe bus nhanh sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ việc kết nối hành khách với các phương tiện giao thông khác.
Tuy nhiên, ông Thủy cũng cho biết, dù xe bus là yếu tố không thể thiếu song hệ thống tàu điện (gồm tàu điện ngầm và tàu điện trên cao) mới là xương sống của giao thông công cộng. Theo ông Thủy, xe bus chỉ nên đảm bảo 25% lưu lượng hành khách tương đương với số lượng 2.500 xe bus tại Hà Nội và 3.000 – 3.500 tại TP.HCM. Nếu phát triển vượt số xe nói trên có thể gây ra tình trạng ùn tắc.
Những lưu ý khi xe bus nhanh hoạt động
Tuyến xe bus nhanh BRT Kim Mã – Yên Nghĩa sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2017 đồng thời miễn phí vé cho hành khách sử dụng trong thời gian một tháng từ ngày 1/1-31/1/2017.
Để phục vụ cho xe bus nhanh, xe tải, ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500 kg trở lên, xe khách, xe hợp đồng sẽ bị cấm hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6h-9h, chiều 16h30-19h30) trục đường phía Bắc Hà Đông (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu - Vạn Phúc).
Hà Nội cũng cấm xe taxi trong giờ cao điểm (sáng 6h-9h, chiều 16h30-19h30) trên tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương (trừ các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường).
Sẽ có nhiều thay đổi trong tổ chức giao thông khi xe bus nhanh đi vào hoạt động
Tại 2 cầu vượt (Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng) sẽ có tín hiệu đèn ưu tiên cho xe BRT lên cầu nhằm giảm xung đột với các loại phương tiện cơ giới khác. Chính quyền thành phố cũng cấm các phương tiện môtô, xe gắn máy, xe thô sơ đi trên 2 cầu vượt trong giờ cao điểm (sáng 6h-9h, chiều 16h30-19h30); cấm toàn bộ xe tải, xe ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500 kg trở lên, lưu thông trên 2 cầu vượt.
Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ tiến hành điều tiết giao thông tại một số nút giao thông có tuyến xe bus nhanh đi qua. Tại nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy, cơ quan chức năng cấm rẽ trái với các phương tiện lưu thông trên đường Lê Văn Lương, các phương tiện rẽ phải và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Hoàng Đạo Thúy.
Bên cạnh đó, cũng sẽ cấm phương tiện ô tô rẽ trái từ Tố Hữu vào Trung Văn và ngược lại. Các phương tiện rẽ phải hoặc đi thẳng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Tố Hữu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!