Trong trường hợp vận chuyển lợn bệnh bị các cơ quan chức năng phát hiện, không cần xét nghiệm, lợn sẽ phải tiêu hủy theo quy trình và người vận chuyển sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, với hàng nghìn phương tiện qua lại chốt kiểm dịch bến Hiệp, xã Quỳnh Giao huyện Quỳnh Phụ mỗi ngày trong khi lực lượng liên ngành mỏng chỉ vẻn vẹn 5 người nên việc kiểm soát hoàn toàn 24/24h gặp rất nhiều khó khăn.
Tâm lý tìm mọi cách để bán tháo đàn càng nhanh càng tốt đang xuất hiện tại các vùng dịch. Như tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, đàn lợn thịt khỏe mạnh sắp xuất chuồng cả xã hiện còn gần 10.000 con, gánh nặng chi phí thức ăn mỗi ngày trung bình 30.000 đồng/con đang khiến các hộ chăn nuôi như ngồi trên đống lửa.
Hiện nay, các cơ quan chức năng mới có cơ chế hỗ trợ cho lợn bị bệnh phải tiêu hủy, chưa có quy định liên quan đến sự hỗ trợ cho đàn lợn khỏe mạnh tại 7 tỉnh đã công bố dịch. Vận chuyển đi tiêu thụ không được, giữ lại nuôi tiếp thì gánh nặng chi phí quá cao chính là nguy cơ tiếp diễn tình trạng lợn trong vùng dịch vận chuyển trái phép đi tiêu thụ. Đây chính là vấn đề cần tiếp tục được giải quyết thỏa đáng để đảm bảo công tác kiểm soát dịch tả lợn châu Phi hiệu quả hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!