Nhiều tàu cát lợi dụng để khai thác cát trái phép. (Ảnh minh họa: Báo Người đưa tin)
Tỉnh Quảng Nam là địa phương cung cấp cát sạn chính cho địa bàn thành phố Đà Nẵng, nơi tiêu thụ nguồn cát xây dựng vô cùng lớn. Từ năm 2014, chính quyền cấp tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác theo từng thời kỳ. Theo đó, tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 184 mỏ, điểm mỏ cát, sỏi được thăm dò, khai thác với tổng diện tích hơn 1.700ha, trữ lượng dự kiến là khoảng hơn 60 triệu m3.
Trong quá trình quản lý, khai thác, một thực tế dễ nhận thấy là đã có quá nhiều giấy phép tận thu cát dưới mọi hình thức, dẫn đến tình hình khai thác khoáng sản nói chung, đặc biệt là khai thác cát, diễn ra rất phức tạp. Theo thống kê năm 2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, địa phương có 30 giấy phép khai thác cát sỏi đã được cấp và đang còn hiệu lực với tổng diện tích 133ha, trữ lượng 5,3 triệu m3. Tuy nhiên, số khối cát bất hợp pháp bị khai thác trái phép, số lượng điểm mỏ tận thu trá hình vẫn chưa thể thống kê được.
Với việc cấp quá nhiều giấy phép, thực trạng khai thác cát đã làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, ngân sách thu vào không đủ để xây kè chống sạt lở. Đáng lo ngại, tại hai tuyến sông chính Thu Bồn và Vu Gia, lượng cát lấy đi quá lớn, trong khi lượng cát tự nhiên bù vào không đủ khiến biển xâm thực vào bờ, trong đó có biển Cửa Đại.
Ngoài ra, tại các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành, tình hình khai thác cát trắng diễn biến rất phức tạp. Lợi dụng giấy phép tận thu và xây dựng các công trình, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ khai thác vượt khối lượng, vượt diện tích nhưng việc xử lý chưa được thực hiện rốt ráo. Năm 2016, tỉnh Quảng Nam đã xử phạt Công ty Cổ phần Hapras Việt Nam 100 triệu đồng, truy thu 94 triệu động do vi phạm trong khai thác cát trắng tận thu tại xã Bình Giang, huyện Thăng Bình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!