Khó kiểm soát việc thanh toán bằng tiền ảo vì chưa có hành lang pháp lý

Minh Đức-Thứ tư, ngày 01/11/2017 18:24 GMT+7

VTV.vn - Theo Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tác khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương pháp thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mới đây, có thông tin đưa ra rằng đại học FPT đưa ra thông báo chấp nhận cho học viên ngoại đóng học phí bằng Bitcoin, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao Ngân hàng Nhà nước có lệnh cấm mà trường đại học này vẫn thu học phí bằng tiền ảo.

Trước thông tin này, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định lần nữa Bitcoin và các loại tiền ảo tương tác khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Trước vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, vì Việt Nam chưa công nhận loại tiền ảo này nên chưa có hành lang pháp lý để quản lý tiền ảo. Luật sư cũng cho hay, việc kiểm soát Bitcoin rất khó bởi bản chất của loại tiền này khác so với những loại tiền tệ khác, bởi nó không phải qua bất cứ hệ thống giao dịch nào mà hoàn toàn tự giao dịch với nhau..

Khó kiểm soát việc thanh toán bằng tiền ảo vì chưa có hành lang pháp lý - Ảnh 1.

Luật sư Truong Thanh Đức cho rằng Việt Nam chưa công nhận Bitcoin này nên chưa có hành lang pháp lý để quản lý tiền ảo

Cụ thể, theo khoản 6 Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt quy định về hành vi bị cấm bao gồm: "Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp". Việc thanh toán không dùng tiền mặt quy định về phương diện thanh toán gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, thờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Ngoài ra, kể từ ngày 1/1/2018, các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Hiện nay, Đại diện công ty TNHH Bitcoin Việt Nam đã có thông báo trên trang của đơn vị về nội dung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đơn vị này khẳng định không vi phạm pháp luật vì đã niêm yết giá Bitcoin bằng tiền đồng, về việc Bitcoin không phải là một phương tiện thanh toán hợp pháp, Công ty này cho rằng chưa có quy định rõ Bitcoin là tiền tệ hay là hàng hóa, cũng như chưa có quy định rõ Bitcoin là một phương tiện thanh toán, thì đối tượng áp dụng của Nghị định 101/2012/NĐ-CP không phải là các tổ chức như Bitcoin Việt Nam hay các khách hàng, vì dịch vụ giao dịch Bitcoin ở đây không phải là một dịch vụ thanh toán. Đơn vị này cũng cho hay, Bitcoin không bị cấm mua bán và sử dụng như một loại hàng hóa phi vật thể.

Trươc "màn" giải thích từ phía công ty tiền ảo Bitcoin, nhưng nhiều người vẫn cho rằng do chưa có hành lang pháp lý nên dễ dàng khiến nhiều cá nhân, tổ chức tìm cách lách luật.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước