Theo chủ cơ sở làm miến tại Minh Khai (huyện Hoài Đức, Hà Nội), màu gốc của miến “xịn” thực tế là màu trắng đục, còn những màu khác đều là màu nhuộm. Miến không cho phẩm màu là miến sạch. Tuy nhiên, trên thực tế, trước được nhuộm màu, bản thân bột dong làm miến cũng đã phải xử lý qua chất tẩy. Chất được sử dụng để tẩy bột thường là acid mạnh và thuốc tím.
“Làm mà không có tẩy acid và thuốc tím thì miến bở lắm, phải có chất tẩy miến mới rửa sạch được chất bẩn. Nó như là xà phòng giặt quần áo” – một chủ cơ sở làm miến cho biết.
Có thể nhận định, miến sạch vẫn phải sử dụng hóa chất để tẩy bột. Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm, miến được ghi là không sử dụng hóa chất. Thậm chí, việc tẩy bột miến cũng cần được giấu kín. Một chủ cơ sở buôn bán bột dong cho sản xuất miến cũng cho biết: “Không tẩy thì không tráng nổi miến, kiểu gì cũng phải tẩy. Kể cả mình tẩy mình cũng phải bảo là mình không tẩy. Miến sạch là miến không có sạn”.
Người làm miến khẳng định sử dụng hóa chất để tẩy bột dong là không độc hại. Tuy nhiên, điều khó hiểu là chính những chủ cơ sở sản xuất miến này lại không sử dụng miến mình sản xuất ra. Họ thường đặt một đơn hàng miến thủ công không tẩy, không phẩm màu để sử dụng.
Theo đánh giá của chuyên gia về an toàn thực phẩm, việc sử dụng acid để tẩy miến là vi phạm quy định hiện hành của Bộ Y tế. “Acid mạnh không cho phép dùng trong thực phẩm, chỉ dùng cho phòng thí nghiệm hoặc ngành công nghiệp. Acid dùng trong thực phẩm là acid loại 3, loại acid nhẹ như chanh" - PGS.TS Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm cho biết - “Thuốc tím là một chất oxy hóa mạnh. Nếu dùng quá liều sẽ bị viêm toàn bộ hệ thống tiêu hóa".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!