Không triệt để xử lý nợ xấu: Nền kinh tế như "người ốm" mỗi ngày một kiệt quệ

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 28/05/2017 09:59 GMT+7

VTV.vn - Nợ xấu đã và đang là một trong những vấn đề hóc búa nhất cho bài toán duy trì sự ổn định và tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Trong cả năm qua và 4 tháng đầu năm nay tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng được xem là điều dễ hiểu. Vì nếu nhìn vào lĩnh vực công nghiệp thì những đầu tàu của tăng trưởng là các dự án công nghiệp lớn được đầu tư từ nhiều năm trước để tạo tăng trưởng cho giai đoạn hiện nay thì đang bị đắp chiếu, hoặc làm ăn thua lỗ. Trong khi đó, cả nền kinh tế đang phải tiếp tục gánh hệ lụy của khối nợ xấu khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất cho vay.

Dù tỷ lệ nợ xấu từ cuối nhiệm kỳ trước được đánh giá là là về ngưỡng an toàn dưới 3%. Tuy nhiên khối nợ xấu hiện vẫn đang một trong những thách thức lớn của nền kinh tế Việt Nam.

Trong bài viết Xử lý "cục máu đông" 610.000 tỉ đồng nợ xấu, tờ Lao động đã dẫn lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Sau 4 năm đã giải quyết được 610.000 tỷ đồng nợ xấu là một thành công rất lớn. Thành công là bởi ngoài việc giữ cho nợ xấu không bị sụp đổ nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng của khối các tổ chức tín dụng.

Không triệt để xử lý nợ xấu: Nền kinh tế như người ốm mỗi ngày một kiệt quệ - Ảnh 1.

Dù sau 4 năm đã xử lý 610.000 tỉ đồng nợ xấu, song nợ xấu đang có xu hướng tăng trở lại về quy mô

Mặc dù số lượng lớn nợ xấu đã được xử lý, nhưng theo báo cáo của Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, nợ xấu đang có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến thời điểm cuối năm ngoái, nợ xấu nợ bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu đã ở mức 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư của cả nền kinh tế.

Cũng theo ông Lê Minh Hưng, việc củng cố lại hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém như mua bán lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để…

Vì thế, việc trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu tại kỳ họp này và nếu được thông qua thì Nghị quyết này được ví như là giải pháp căn cơ, là bước đi cần thiết để xử lý nợ xấu.

Theo tờ Đầu tư, khi mà nợ xấu chưa được xử lý dứt điểm thì lãi suất luôn có nguy cơ bùng tăng trở lại và tiếp cận vốn vẫn là bài toán khó với doanh nghiệp. Xử lý triệt để nợ xấu là đòi hỏi bức thiết, nếu không, nền kinh tế giống như người ốm, cứ mỗi ngày một kiệt quệ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!



Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước