Nguyên nhân là do chưa có cơ chế hữu hiệu để giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ khiến cho không ít người đứng đầu cấp uỷ lợi dụng quyền lực để "thao túng" công tác này.
Hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống "chạy chức", "chạy quyền" là nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay, nhất là trong bối cảnh các cấp ủy đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Điều đáng nói là trường hợp trên không phải là cá biệt. Rất nhiều vi phạm trong công tác cán bộ trước đó cũng được đưa ra ánh sáng.
Ông Vũ Huy Hoàng, khi làm Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tự ý đề nghị bổ sung quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ này đối với Trịnh Xuân Thanh.
Ông Lê Phước Thanh, 5 ngày trước khi nghỉ hưu đã chủ trì cuộc họp để thông qua chủ trương đưa con trai lên làm Giám đốc Sở dù chưa đủ điều kiện.
Ông Nguyễn Phong Quang, khi làm Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã ký bổ nhiệm 32 cán bộ không đủ tiêu chuẩn, trong đó có trường hợp chưa từng làm việc ngày nào cũng được bổ nhiệm làm Vụ phó.
Ông Nguyễn Xuân Anh, khi còn là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cũng đã để lại nhiều điều tiếng khi quyết định một số nhân sự một cách áp đặt.
"Thao túng", "lạm quyền" đang làm cho công việc "gốc" của Đảng trở nên méo mó. Chạy chức, chạy quyền cũng từ đây mà nảy sinh. Chính vì vậy, hoàn thiện cơ chế để kiểm soát quyền lực, khắc phục tình trạng này trong công tác cán bộ đang được xem là nhiệm vụ cấp bách.
Hiện tại, một quy định về kiểm soát tình trạng này đang được xây dựng, trong đó có các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là các giải pháp răn đe, để người giữ thẩm quyền trong công tác cán bộ cho dù có được "chạy" cũng không dám "nhận".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!