Năm ngoái, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh bị kỷ luật bằng hình thức cách chức vì vi phạm các quy định về công tác cán bộ. Lúc đương nhiệm, vị cán bộ này đã không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, đào tạo, điều động và đưa con trai lên làm giám đốc sở.
Trước đó, một cán bộ nguyên là lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương cũng đã bị cảnh cáo do đã tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh - một cán bộ có nhiều tai tiếng được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang khiến dư luận bức xúc.
Trên chỉ là những ví dụ về những hệ lụy khi người được trao quyền quyết định trong công tác cán bộ không được kiểm soát.
Theo Quy định của Bộ Chính trị mới ban hành, từ nay các hành vi thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự sẽ bị nghiêm cấm.
Bộ Chính trị cũng nghiêm cấm không được bố trí người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị là người có quan hệ gia đình như vợ, chồng hay anh chị em ruột.
Những quy định này được cho là sẽ lấp đầy những hổ hổng về quy trình cũng như kiểm soát chặt chẽ quyền lực của những người có quyền quyết định trong công tác cán bộ.
Cán bộ là công việc gốc của Đảng. Đây cũng là công việc quyết định đến uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng. Nhiều ý kiến cho rằng, với quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ vừa được Bộ Chính trị ban hành, quyền lực sẽ được nhốt trong lồng cơ chế, tới đây những mặt còn hạn chế trong công tác cán bộ sẽ được khắc phục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!