Ở Đồng bằng sông Cửu Long, sông ngòi nhiều, nhà gần sông nền nhiều vụ tại nạn thương tâm đã xảy ra, mà phần lớn là trẻ em. Tại tỉnh Kiên Giang trong 5 năm đã có hơn 2.000 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 136 trẻ em tử vong. Xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ em được xem là giải pháp hữu hiệu phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại tỉnh này.
Tranh thủ ngày nghỉ, anh Đặng Hùng Lai ở ấp Phước Tâm, xã Mỹ Phước, Hòn Đất sửa lại hàng rào xung quanh ngôi nhà của gia đình mình. Nhà gần sông lại giáp đường giao thông, con thứ 2 của vợ chồng anh chị vừa chập chững tập đi nên anh rất quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ tại ngôi nhà của mình.
Sau 2 năm thực hiện mô hình, 960 hộ gia đình có trẻ em trong xã đều đăng ký xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ em, trong đó 30% hộ gia đình đã đạt đủ 33 tiêu chí, 70% hộ gia đình đạt 15 tiêu chí bắt buộc. Phần lớn người dân đã nâng cao nhận thức về phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em. Năm 2016, toàn xã không có trẻ em bị tai nạn thương tích đuối nước, điện giật, bỏng.
Năm 2016, UBND tỉnh Kiên Giang đã xây dựng Chương trình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2016-2020. Kinh phí thực hiện là 2,6 tỉ đồng và vận động xã hội hóa 10 tỉ đồng. Từ hiệu quả của mô hình ngôi nhà an toàn cho trẻ em ở Mỹ Phước và một số xã, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 60.000 ngôi nhà an toàn cho trẻ em.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!