Trong số nhiều dự án luật và nghị quyết quan trọng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này đáng chú ý có Nghị quyết về chất vấn. Nội dung Nghị quyết thể hiện việc Quốc hội nghiêm khắc phê bình nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có những vi phạm về công tác cán bộ, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ xem xét quy định của pháp luật, tham mưu việc xử lý tiếp theo liên quan đến những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng, yêu cầu làm rõ vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng. Điều đó đã thể hiện sự kiên quyết của Quốc hội bởi "Quốc hội chưa bao giờ phê phán ai như phê phán ông Vũ Huy Hoàng".
Thế nhưng, theo báo Tuổi trẻ, sự quan tâm lớn nhất của cử tri là lẽ ra những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng phải được phát hiện và xử lý ngay khi còn đương chức để ngăn chặn hậu quả, thay vì chỉ "dọn dẹp hậu quả".
Nghị quyết của Quốc hội cũng dành một phần khá dài để nói về Formosa, về các dự án lỗ hàng ngàn tỉ đồng. Thái độ là không khoan nhượng. Thậm chí, trước một chủ trương lớn là xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã được Quốc hội khóa XII thông qua nhưng sau khi cân nhắc mọi yếu tố và sau khi xem xét tờ trình của Chính phủ, Quốc hội đã biểu quyết dừng việc xây dựng nhà máy.
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: TTXVN)
Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc dừng dự án không phải vì công nghệ, an toàn mà do tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay đã thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2009.
Thời điểm đó, chúng ta chưa có chủ trương làm đường đường cao tốc Bắc Nam, đường sắt tốc độ cao, sân bay Long Thành. Bây giờ cân đối lại, Việt nam cần thiết tập trung ưu tiên cho các dự án có sức lan tỏa hơn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hơn nữa, các nguồn nhiệt điện than, điện khí, điện gió, điện mặt trời... khi đưa vào sử dụng sẽ thay thế phần thiếu hụt mà 2 nhà máy điện hạt nhân để lại.
Tờ Thời báo kinh tế Việt Nam dẫn lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội bình luận: Việc Chính phủ đề xuất dừng dự án điện hạt nhân là một sự dũng cảm. Dừng dự án ở thời điểm này và công bố công khai là hợp lý, kịp thời.
Theo tờ Đại đoàn kết, việc Quốc hội biểu quyết dừng Dự án điện hạt nhân là một quyết định sáng suốt, "dũng cảm". Không còn chuyện "dĩ hòa vi quý" với các đề nghị của Chính phủ như tại các kỳ họp trước đó. Điều này cho thấy, tính phản biện của Quốc hội đã tăng lên.
Chuyển từ Quốc hội tham luận sang tranh luận. Cho dù đây mới là bước khởi đầu nhưng đã đánh dấu một sự đổi mới thực sự khi mà sự ngần ngại dễ thấy ở các kỳ họp đầu nhiệm kỳ hầu như không có. Các báo trong tuần đã có nhiều bài bình luận về sự đổi mới này của Quốc hội.
Các đại biểu đã tranh luận trực diện, trong đó có không ít nội dung rất dễ dẫn đến sự va chạm, lợi ích ngành, địa phương. Trên cơ sở tranh luận đại biểu xét, lựa chọn phương án mà họ cho là khả thi nhất. Tranh luận không chỉ tạo không khí dân chủ mà còn là cách để đi đến những phương thức lập pháp, những quyết định đúng đắn - theo tờ Đại biểu nhân dân.
Tranh luận để cuối cùng chọn ra được phương án tối ưu nhất. Bởi nếu không tranh luận thì rất có thể từ sự xuôi chiều, nó sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm kém; những sản phẩm nhàn nhạt hay nói cách khác là những "sản phẩm lỗi" - như bình luận của đại biểu tỉnh Bến Tre, ông Lưu Bình Nhưỡng. Với những gì đã thể hiện tại kỳ họp, Quốc hội đã tạo niềm tin và kỳ vọng về một nhiệm kỳ Quốc hội đổi mới để gần dân hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!