Trong bài viết của mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định sức mạnh của Đảng chính là mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Do vậy, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải hợp với lòng dân.
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, sứ mệnh của Đảng và của cả hệ thống chính trị là phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao tầm trí tuệ, sức chiến đấu để tập hợp các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Có thể nóiׄ, tập hợp "lòng dân" không phải là một bài học mới nhưng trong thời điểm đất nước bước sang năm thứ 72 của kỷ nguyên độc lập tự do, hạnh phúc, Đảng và các cơ quan Nhà nước vừa bước vào nhiệm kỳ mới, lòng dân đang được nhắc đến với một yêu cầu ngày càng cấp bách hơn. Nhìn thẳng vào sự thật, như Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong bài viết của mình đã nhấn mạnh, 5 năm một nhiệm kỳ chỉ là cái chớp mắt của lịch sử, nhưng cũng chính vào lúc này, Đảng phải chứng minh cho nhân dân thấy được rằng, những đảng viên chân chính sẽ giữ con thuyền Cách mạng không bị chệch hướng trong tương lai.
Theo Nguyên Chủ tịch nước Trương
Tấn Sang, chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước "của dân,
do dân và vì dân" lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay. "Tư bản thân hữu", "lợi ích nhóm", "sân sau của
gia đình" hay xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính
sách, dàn dựng để tạo ra các cú "áp-phe" lớn mang lại lợi ích "khủng" cho một số
cá nhân và phe nhóm..., gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm
chao đảo nền kinh tế.
Ngày hôm nay, từ góc nhìn mạnh, yếu,
suy vong của các triều đại trong lịch sử thì những hiểm họa, những tiêu cực
đang phát sinh trong nội tại đất nước, khiến những đảng viên cộng sản trung
kiên, các bà mẹ đã cống hiến những người con cho Tổ quốc, những gia đình đã chịu
nhiều hy sinh mất mát, không thể yên lòng.
Trên báo Nông thôn Ngày nay, GS. TS. Vũ Minh Giang đã nhắc lại bài học "dân là thành lũy" của cha ông. Chúng ta có tàu ngầm, tên lửa, máy bay... để bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng ở một vài nơi, mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân đang có dấu hiệu xa cách, thậm chí có nơi việc xa cách tới mức dân phản ứng lại chính quyền, thì thực sự là dấu hiệu không lành. Nó phần nào lý giải, tại sao khi bước vào nhiệm kỳ mới này, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đều nói rất nhiều đến vấn đề quan hệ giữa chính quyền với nhân dân.
Theo báo Đại biểu Nhân dân, lòng dân sẽ yên khi chính quyền các cấp, khi mỗi cán bộ trở về với đúng bản chất là công bộc của dân, lo trước dân và vui sau dân. 71 năm qua, việc hiện thực hóa quyền làm chủ của người dân đã có những bước tiến dài. Dẫu vậy, những câu chuyện được phơi bày trên báo chí vừa qua đã cho thấy một bộ phận không nhỏ những "công bộc của dân" đã tự đặt mình ra ngoài cuộc sống của nhân dân, đứng trên dân, coi những đồng thuế do mồ hôi nước mắt của dân đóng góp như "tiền chùa" để bòn rút, hoang phí...
Nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hiện có tình trạng có những công bộc của dân nhưng như những "ông vua con", trên báo Đầu tư, GS.TS. Hoàng Chí Bảo cho rằng khi kiên quyết loại bỏ những ông "vua con", dân sẽ đặt trọn niềm tin vào Đảng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!