Một thông tin pháp luật đáng chú ý được nhiều tờ báo nhắc tới trong thời gian gần đây là vụ việc lực lượng công an tìm ra những kẽ hở trong giám định pháp y tâm thần, qua đó, giúp tội phạm lợi dụng để chạy tội. Câu chuyện bắt đầu từ việc cơ quan điều tra đã phát hiện ra Lê Thanh Tùng - một đối tượng cầm đầu băng nhóm gây ra vụ án cố ý gây thương tích - xuất trình bệnh án tâm thần bị phát hiện là giả.
Theo tờ Pháp luật Việt Nam, Lê Thanh Tùng đã mua bộ hồ sơ bệnh án tâm thần phân liệt thể hoang tưởng với giá 85 triệu đồng. Quá trình điều tra của lực lượng công an đã phát hiện thêm 78 hồ sơ bệnh án tâm thần bị làm giả, với 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ.
Đối với những đối tượng phạm tội, giấy chứng nhận bệnh tâm thần phải mất tiền để mua. Bởi nó chính là bùa hộ mệnh, có thể giúp chúng thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật.
Tờ Công an nhân dân cho biết trong rất nhiều vụ việc, nhiều đối tượng đã thủ sẵn bệnh án tâm thần để thoát khỏi mức án cao nhất khi phạm tội. Nhiều trường hợp không phát bệnh vào thời điểm phạm tội, nhưng sau khi phạm tội hoặc khởi tố, truy tố thì lại phát bệnh tâm thần.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có hàng nghìn đối tượng đang có bệnh án tâm thần thuộc diện cơ quan Công an quản lý. Từ vụ việc Lê Thanh Tùng, cơ quan điều tra đã xác định có những đường dây mua bán bệnh án tâm thần. Điều đáng lo ngại là những đường dây này xuất hiện tại các địa phương khác nhau như Hà Nội, Nam Định, Nghệ An. Không chỉ cung cấp bệnh án cho tội phạm, các bác sĩ giám định còn giúp nhiều người làm giả bệnh án để trục lợi từ các chính sách của Nhà nước.
Tờ Pháp luật Việt Nam đề nghị cần phải làm rõ bởi hành vi làm giả bệnh án tâm thần không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn bao che, tiếp tay cho những kẻ phạm tội lộng hành, trốn tránh pháp luật. Trong khi đó, báo Đại biểu nhân dân có quan điểm cứng rắn, đó là việc trục lợi, tránh tội chỉ có thể chấm dứt khi đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện tâm thần, hội đồng giám định y khoa không dung túng, tiếp tay cho những người bỗng dưng bị bệnh tâm thần. Theo đó, hành vi này cần phải xử lý mạnh tay.
Tờ Đại đoàn kết cho rằng dù pháp luật có nghiêm minh, giám sát chặt chẽ tới đâu thì cũng khó có thể ngăn chặn hoàn toàn được những hành vi tiếp tay cho tội phạm kiểu này. Do đó, tờ báo này kêu gọi các y, bác sĩ tự trọng, vì đạo đức nghề nghiệp, danh dự cá nhân và của ngành y.
Bộ Y tế đã cho thấy sự quyết liệt bằng cách yêu cầu xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm, và kêu gọi các bác sĩ, giám định viên nêu cao bản lĩnh, vững vàng trước sự cám dỗ của vật chất. Những động thái này được kỳ vọng sẽ hạn chế, tiến tới đặt dấu chấm hết cho những vi phạm kiểu như thế này khi trong thực tế, hiện tượng này có xu hướng gia tăng.