Dư luận tuần qua lại ồn ào quanh câu chuyện bổ nhiệm người thân. Nóng đến mức trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đề nghị Chính phủ phải kiểm tra làm rõ và công khai kết quả về một số trường hợp người nhà lãnh đạo được bổ nhiệm và thăng chức. Những phản ánh về việc bổ nhiệm người thân dù đúng hay sai phải có giải trình, kiểm tra, làm rõ.
Theo bà Lê Thị Nga, thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, là người trong gia đình, người thân; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước. Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận...
Dẫn chứng hai vụ việc cụ thể. Vụ việc đầu tiên ở Bình Phước khi dư luận râm ran chuyện các con của cựu bí thư tỉnh uỷ liên tục được bổ nhiệm các chức vụ trong thời gian ngắn. Và vụ việc thứ hai ở Khánh Hòa khi lãnh đạo sở Tư pháp để vợ mình là trưởng phòng công chứng - tờ Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh trong loạt bài dài kỳ về nội dung này đã dẫn lời những người có trách nhiệm khẳng định: Việc bổ nhiệm là đúng quy trình.
Mới nhất trả lời báo Tuổi trẻ, Bí thư tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh xác nhận đúng là 8 người nhà ông được bổ nhiệm vào các chức vụ khác nhau trong tỉnh và tất cả đều đúng quy trình. Và ông Triệu Tài Vinh cũng cho biết chính ông từng cản nhiều lần việc bổ nhiệm này, nhưng rồi không thể từ chối được.
Điểm chung của nhiều vụ việc mà dư luận thắc mắc, hoài nghi xoay quanh cụm từ "đúng quy trình" và "được tập thể tín nhiệm". Nhiều địa phương, ban, ngành đều tìm cách chứng minh "người nhà đều là người tài".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!