Làng nghề bánh chưng vào Tết...

Minh Thư-Thứ sáu, ngày 25/01/2013 15:43 GMT+7

Làng bánh chưng Tranh Khúc tấp nập vào Tết. (Ảnh:toquoc.vn)

Từ lâu, bánh chưng Tranh Khúc đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Thời điểm này khi Tết chỉ còn tính bằng ngày, cũng là lúc người thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, Thường Tín, Hà Nội càng bận rộn vì số lượng bánh tăng lên tới con số hàng nghìn.

Không khí tại thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội càng gần Tết càng tấp nập. Khắp thôn xóm ở đâu cũng tràn ngập lá dong. Nghề gói bánh chưng truyền thống của làng đã có từ lâu. Đây cũng là nghề giúp tạo sinh kế, nghề cho thấy sự năng động của người dân nông thôn.

Nhà ông Nguyễn Văn Bảy, một cơ sở sản xuất bánh chưng tại Tranh Khúc những ngày này đang tất bật chuẩn bị làm bánh. Mỗi người một việc như một dây chuyền nhuần nhuyễn, ngoài 5 người trong gia đình, ông còn thuê 5 nhân công nữa để làm việc.

Tự hào khi nói về nghề truyền thống, ông cho biết cả cơ ngơi này đều có được là nhờ nghề làm bánh do cha ông để lại. Ông Bảy tâm sự: “Ngày bình thường lẫn ngày Tết nói chung thu nhập cũng khá. Xây dựng nhà cửa cũng toàn nhờ bánh, các cháu đi học cũng từ bánh chưng mà ra. Thu nhập nhờ bánh nói chung không có vấn đề gì, cuộc sống được ổn định”.

Với gia đình anh Nguyễn Duy Điệp cũng như nhiều hộ dân ở Tranh Khúc, việc làm bánh chưng là nghề chính đem lại thu nhập cho 6 người trong gia đình anh. Năm ngoái có đoàn du lịch người Pháp về cơ sở của anh đề nghị đặt hàng sản xuất bánh chưng để mang về nước.

Theo anh Điệp, bánh chưng được bán ở nước ngoài sẽ là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên, việc bán ở nước ngoài sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Thay vào đó, trước mắt, nên phát triển du lịch làng nghề tại địa phương.

Nói về mong muốn phát triển làng nghề bền vững, anh Nguyễn Duy Điệp, Thôn Tranh Khúc cho biết: “Chúng tôi cũng rất mong muốn phát triển hình thức du lịch làng nghề chúng. Muốn để thương hiệu bánh chưng của mình được một ngày một cao hơn, một rộng hơn. Đây là mong muốn của người dân làng nghề, còn có làm được hay không lại do xã chỉ đạo”.

Trung bình, ngày thường mỗi hộ gia đình có thể sản xuất từ 400 – 500 chiếc bánh. Vào thời điểm cuối năm sản lượng có thể lên tới vài nghìn chiếc mỗi ngày. Tuy nhiên, vào mùa hè sản lượng bánh chưng lại giảm khá nhiều. Vì vậy, xã cũng đang nghiên cứu và xây dựng đề án phát triển du lịch làng nghề vừa để quảng bá thương hiệu vừa giúp người dân ổn định thu nhập.

“Đề án du lịch làng nghề sẽ giúp làng nghề này phát triển trong suốt 12 tháng. Thời gian hè có thể tổ chức tour cho các cháu học sinh về địa phương học cách gói bánh chưng truyền thống của cả nước chứ không riêng gì Tranh Khúc. Việt Nam có truyền thuyết bánh chưng, bánh dày nên để các cháu ghi nhớ truyền thống của ông cha”, ông Phạm Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà cho biết.

Giờ đây, ở Tranh Khúc cuộc sống người dân khấm khá hơn trước nhiều. Thu nhập trung bình hàng tháng của mỗi người làm nghề từ 3 – 7 triệu đồng. Thu nhập của thôn Tranh Khúc bằng ¼ tổng thu nhập của toàn xã Duyên Hà.

Nghề truyền thống đem lại kinh tế ổn định cho nhiều hộ dân, do đó họ cũng không ngại việc bỏ chi phí để làm đường, góp phần làm đẹp bộ mặt thôn xóm. Không phải ly hương và vẫn sống tốt được với nghề truyền thống là điều mà không phải làng quê nào cũng làm được.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước