Làng Vũ Đại hôm nay…

Đỗ Thủy -Thứ tư, ngày 13/02/2013 08:30 GMT+7

Ảnh: Tuan.xahoi

Làng Vũ Đại trên thực tế được lấy nguyên mẫu từ làng Đại Hoàng, thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam - quê hương của Nhà văn Nam Cao. Từ chỗ nổi tiếng đói nghèo, nhưng nay đã trở nên khởi sắc chính nhờ biết phát huy những đặc sản từng là biểu tượng của sự đói nghèo trước kia.  

Những vườn chuối của Làng Vũ Đại ngày xưa, bây giờ cho ra giống chuối ngự Đại Hoàng. Khung dệt vải của bà cô Thị Nở không còn thủ công nữa, hàng loạt nhà máy dệt công nghiệp đã được xây dựng. Còn những lò gạch xưa, giờ sản xuất theo công nghệ Tuynel. Ông Giám đốc công ty cho biết, từ cái lò gạch xưa đến nhà máy gạch ngày nay, truyền thống là một yếu tố quan trọng tạo nên thế mạnh của công ty.

Ông Trần Như Văn, Giám đốc công ty Vật liệu xây dựng Sông Hồng cho biết: “Làng Vũ Đại phải có cái lò gạch. Đã là lò gạch thì phải sản xuất vật liệu xây dựng - nghề truyền thống của nơi thuần nông này. Chúng tôi sinh ra là người địa phương, cũng muốn tạo điều kiện công ăn việc làm cho người địa phương và tạo điều kiện cho chính gia đình mình”.

Sự khởi sắc của làng Đại Hoàng hôm nay phần lớn là bắt đầu từ những sản vật địa phương. Một trong số đó là món cá kho, mỗi niêu cá có giá bán từ 700.000-1.000.000 đồng. Vài chục năm trước chỉ đơn thuần là món ăn Tết đặc trưng của làng, nhưng sự sáng tạo và dũng cảm của người dân là ở chỗ đã dám đưa món ăn cổ truyền này ra với thị trường.

Ông Trần Khắc Phong, Cơ sở kho cá Phong Thực, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam tâm sự: “Anh em chúng tôi cũng nghĩ, tại sao mình không mang cái đặc trưng của mình để giới thiệu với khách trong và ngoài nước?. Đến nay chúng tôi cũng đã mở ra được hơn chục năm rồi, hàng năm vào mỗi dịp Tết, chúng tôi phải xuất từ 1.500-1.600 niêu cá”.

Từ vườn chuối ngự đến khúc cá kho, rồi khung dệt vải, lãnh đạo xã Hòa Hậu cho biết, họ đã không phải mất công gì nhiều để đi tìm hướng phát triển cho địa phương. Chính sự sáng tạo của người dân từ nghề truyền thống đã đi thẳng vào Nghị quyết về phát triển kinh tế hay đường lối xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Đức Huy, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam nói: “Những kinh nghiệm đó đã được người dân nghiên cứu rồi, qua hàng nghìn năm đúc kết lại. Khi xây dựng quê hương, chúng ta phải tìm cách phát huy những kinh nghiệm ấy trong thời mới, chứ nếu phá đi làm lại sẽ mất một thời gian rất dài. Chúng tôi thành công chính là ở chỗ phát hiện ra ý tưởng, tâm nguyện của người dân”.

Tại làng Vũ Đại, khu tưởng niệm Nhà văn Nam Cao đã được xây dựng. Lãnh đạo địa phương xác định thế mạnh của địa phương trong tương lai sẽ là du lịch, văn hóa, lịch sử.

Ở xã Hòa Hậu bây giờ, kinh tế nông nghiệp chỉ còn chiếm 19% GDP, còn lại là dịch vụ thương mại và ngành nghề. Bài học của Hòa Hậu cho thấy, ngay tại những địa phương ít đất sản xuất, quanh năm úng ngập, người ta vẫn có thể phát triển kinh tế nếu biết phát huy sức sáng tạo của người dân.

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách chiến lược Phát triển NNNT cho rằng: “Khoan hãy nói về đất, về rừng vàng biển bạc, cái chính của chúng ta có là con người. Nhưng đừng nhìn con người dưới góc độ là sức lao động, chúng ta phải nhìn con người dưới góc độ là tài năng, trí tuệ, sáng tạo, nhiệt huyết. Như vậy nền kinh tế của chúng ta sẽ không mở rộng trong phạm vi đồng tiền, mà sẽ mở rộng ra văn hóa, lịch sử, nghệ thuật”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước