Sáng 15/5, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM chủ trì buổi họp báo thông tin về quá trình vây bắt hai nghi can trong vụ đâm chết hai hiệp sĩ tối 13/5 trên đường Cách Mạng Tháng Tám.
Trả lời báo chí về mô hình hiệp sĩ đường phố hoặc các Câu lạc bộ phòng chống tội phạm do người dân tự thành lập, thiếu tướng Minh đã có những chia sẻ thẳng thắn về quan điểm của CA TP.HCM về vấn đề này.
Thiếu tướng Phan Anh Minh chủ trì buổi họp báo sáng 15/5
Công an ở đâu khi để người dân tự bắt cướp?
Đó là câu hỏi được các phóng viên đặt ra cho thiếu tướng Minh sau sự việc đáng tiếc của nhóm hiệp sỹ Tân Bình. Trả lời câu hỏi, ông Minh nhấn mạnh nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ người dân trong việc thực hiện quyền tự vệ.
Tuy nhiên việc đòi hỏi công an thành phố phải xây dựng được một mô hình có thể bảo vệ an toàn 100% cho người dân là điều rất khó khăn trong bối cảnh tinh giảm biên chế như hiện nay.
"Do đó công an luôn cần sự hỗ trợ kể cả bằng hành động và thông tin của người dân. Và không riêng chuyện đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm mà trong mọi hoạt động của nhà nước đều cần sự tham gia của người dân.
Và trong bối cảnh đó, cái chúng ta cần quan tâm là hiện tại chúng ta chưa có một cơ chế nào để đãi ngộ các hiệp sĩ nếu họ hy sinh hay bị thương trong quá trình săn bắt tội phạm", ông Minh nói.
Một hiệp sĩ tử vong trong vụ tấn công tối 13.5 vừa rồi
Khẳng định việc trấn áp tội phạm chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề an ninh trật tự tại TP.HCM, ông Minh cho rằng cần đi sâu vào bản chất vấn đề, tức là từ nguyên nhân phát sinh tội phạm.
Thống kê của công an TP.HCM, tỉ lệ tội phạm cướp giật tại thành phố này có từ 30 - 40% là những người nghiện ma túy. Trong khi đó, chính sách về người nghiện ma túy hiện nay không nhận được sự đồng thuận cao. Ngoài ra, TP HCM đang trong quá trình cơ cấu lại kinh tế, người các tỉnh thành kéo về rất nhiều. Nếu họ không được chăm sóc, giáo dục đầy đủ sẽ có nguy cơ tha hóa trở thành tội phạm.
Đưa ra những nguyên nhân này, thiếu tướng Minh kết luận: "Có nhiều nguyên nhân nhưng trở lại chuyện giải quyết vấn đề tội phạm, công an là lực lượng nòng cốt nhưng không chỉ có công an, mà cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Tội phạm là hiện tượng xã hội và có nguyên nhân xã hội. Phải giải quyết bằng giải pháp xã hội chứ không chỉ dựa mỗi lực lượng công an".
Các hiệp sĩ phải xác định rõ giới hạn của mình
Thiếu tướng Phan Anh Minh chia sẻ, trong tất cả các quy định hiện hành về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc thì chưa có quy định về mô hình hiệp sĩ đường phố. Do đó, suốt những năm qua, công an thành phố vẫn đang day dứt, nghiên cứu và tìm cách kiến nghị có một quy chuẩn đầy đủ cho mô hình này.
"Phải nói rằng đi làm việc nghĩa nhưng trong cuộc đấu tranh này có thể xảy ra mất mát, hy sinh, cho nên các hiệp sĩ cần được công nhận, cần được bồi dưỡng, hỗ trợ về kỹ năng, kiến thức pháp luật, những gì được làm, những gì không được làm, kể cả xác định rõ giới hạn của mình", ông Minh nhấn mạnh.
Công an TP.HCM mong muốn có cơ chế cho mô hình hiệp sĩ đường phố
Chính vì mô hình chưa được công nhận, chưa được chuẩn hóa do đó đã xảy ra trường hợp nhóm hiệp sỹ không lường trước được tính chất nguy hiểm của các đối tượng nên xảy ra hậu quả đau lòng vừa qua.
"Ngay cả công an thì không phải tất cả các tội phạm đều có thể phát hiện và bắt giữ được ngay. Sự việc hi sinh của hai hiệp sĩ vừa rồi là bài học cho chúng ta để tiếp tục kiến nghị có cơ chế cho mô hình này" - ông Minh cho biết.
Chia sẻ thêm với báo chí, ông Minh cho biết hiện tại chưa có thống kê chính xác về số lượng các nhóm, CLB hoạt động trong phong trào chống tội phạm. Nguyên nhân cũng vì chưa có cơ chế, chưa có quy định rõ ràng nên số lượng các hiệp sĩ biến động liên tục, thành phố không thể quản lý được.
"Nếu trong thời gian tới, mô hình này được công nhận thì lực lượng công an thành phố sẽ cố gắng vun đắp, bảo vệ để nó được phát triển, hạn chế tối đa thiệt hại" - ông Minh cho biết thêm.