Lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế

Liên Liên-Thứ sáu, ngày 30/05/2014 20:25 GMT+7

Ảnh minh họa

Lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý của bảo hiểm xã hội, 2 phòng khám đa khoa ở TP Hải Phòng đã lập hơn 60.000 hồ sơ giả nhằm chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Nghiêm trọng hơn, theo đánh giá của công an TP Hải Phòng, tình trạng này có thể đang diễn ra với gần 80 cơ sở y tế khác trên địa bàn TP này.

Khi xem một bảng kê được lập khống của phòng khám đa khoa Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ tên người bệnh, chẩn đoán bệnh, khám bệnh và đơn thuốc có thể thấy chữ ký của hơn 40.000 hồ sơ giả đều do một người ký xác nhận. Thậm chí là vì ký quá nhiều hồ sơ giả, cho nên cùng một người bệnh nhưng chữ ký lại hoàn toàn khác nhau.

Người thì thẻ bảo hiểm đã hết hạn, người thì không có thẻ, còn người có thẻ thì lại không đến khám.

Nhưng tất cả danh sách này đều được Phòng khám đa khoa Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Huyện An Dương lập bảng kê chi phí khống nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế. Giám đốc của cơ sở y tế này, nguyên là Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội TP Hải Phòng.

Nguyễn Khải, Quận Kiến An, TP Hải Phòng nói: “Vì lòng tham, tôi thì trước làm bảo hiểm, nhưng cũng xấu hổ với nghề, anh em muốn có đồng hoạt động nên cũng làm liều. Tôi thấy có tội với nhà nước và tôi cũng thấy nhục nhã vì bản thân mình thiếu gương mẫu”.

Qua điều tra ban đầu, công an TP Hải Phòng cho biết: số bảng kê chi phí bảo hiểm y tế của phòng khám đa khoa Nguyễn Bỉnh Khiêm và phòng khám đa khoa Quang Thanh ở huyện An Lão có từ 80 đến 90% là giả.

Thượng tá Lê Nguyên Trường, Trưởng phòng PC46, Công an TP Hải Phòng cho biết: “Chúng đã lợi dụng vào những sơ hở trong công tác quản lý, giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng, cụ thể là của bảo hiểm xã hội, để chúng thực hiện các hành vi lâp khống các chứng từ thanh quyết toán bảo hiểm y tế, mà cụ thể là chúng lập các bảng kê chi phí khám chữa bệnh của những người có đăng ký thẻ bảo hiểm y tế để rút tiền từ quỹ bảo hiểm”.

Theo quy trình, với mỗi hồ sơ, để chi trả tiền, bảo hiểm xã hội TP Hải Phòng sẽ phải kiểm tra tính xác thực của hồ sơ, tức là phải xác minh liệu người có thẻ bảo hiểm đó là có đi khám bệnh thật hay không, hoặc là thẻ bảo hiểm đó còn hạn không. Và theo đánh giá của công an TP Hải Phòng thì công việc này không có gì khó khăn, nên việc để hơn 60.000 hồ sơ giả dễ dàng qua mặt các cơ quan quản lý đang được cơ quan công an đang điều tra làm rõ có hay không việc tiếp tay của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Thành Phố Hải Phòng chia sẻ: “Qua đấu tranh chuyên án thì thấy tình hình vi phạm hết sức nghiêm trọng, trong hơn 70 cơ sở ở TP Hải Phòng chúng tôi mới điều tra 2 cơ sở đã thấy rằng thâm hụt tiền của bảo hiểm hơn chục tỷ đồng, và nếu rà soát hết số này thì thâm hụt sẽ rất lớn, như vậy ảnh hưởng đến kinh tế và uy tín của ngành bảo hiểm”.

Sau khi khởi tố 2 vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hôm 29/5 Công an TP Hải Phòng cũng đã khởi tố 5 bị can thuộc phòng khám đa khoa Nguyễn Bỉnh Khiêm và tạm giữ hình sự một đối tượng thuộc phòng khám đa khoa Quang Thanh.

Công an TP Hải Phòng cũng cho biết: “Sau 2 cơ sở y tế này, sẽ rà soát tiếp tất cả các cơ sở còn lại để ngăn chặn sự thất thoát tiền của nhà nước và lấy lại uy tín của ngành bảo hiểm. Và thực tế ở Hải Phòng cũng đặt ra câu hỏi, liệu tình trạng tương tự có diễn ra ở các địa phương khác trên cả nước”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước