Tuy nhiên, còn không ít băn khoăn của người dân về quy định bắt buộc mua bảo hiểm cũng như chất lượng của dịch vụ khám chữa bệnh của Bảo hiểm y tế.
Anh Đỗ Nhân Quý là một bệnh nhân thuộc diện được BHYT hỗ trợ chi trả 80% tiền thuốc chữa bệnh. Sau khi được hỗ trợ, mỗi tháng, hiện anh phải chi thêm gần 2 triệu đồng để chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu Dự thảo Luật BHYT được thông qua thì anh Quý sẽ được hỗ trợ hoàn toàn chi phí chữa bệnh. Đối với những bệnh nhân 20 năm chạy thận như anh thì giảm được một đồng cũng là đáng quý.
Ngoài anh Quý, nhiều người khác sẽ được BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh lớn hơn theo Dự thảo mới.
‘ Ảnh minh họa
Nhóm đối tượng được hưởng mức thanh toán 100% của BHYT: là người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện nghèo, người thuộc nhóm bảo trợ xã hội, người tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền chi trả 1 năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Ngoài ra, nhóm cận nghèo chỉ phải đồng chi trả 5%, giảm đáng kể so với mức 20% trước đây.
Mở rộng lượng chi trả của BHYT là tin vui, nhưng đồng nghĩa với việc áp lực lên quỹ BHYT lớn hơn. Trước các hiện tượng lạm dụng quỹ BHYT, cấp trùng thẻ BHYT thời gian qua, nhiều người cũng lo ngại về khả năng cân đối quỹ BHYT.
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết: “Khi quyết định mở rộng quyền lợi của các nhóm đối tượng thì chúng tôi đã phải phối hợp với Bộ Tài chính và BHXH đưa ra bài toán về tài chính, khi đảm bảo được khả năng cân đối quỹ thì lúc đó chúng ta mới quyết định việc mở rộng quyền lợi cho các nhóm đối tượng”.
Để tăng nguồn chi trả cho quỹ BHYT, một điểm quan trọng của Dự thảo là bắt buộc mọi người dân phải mua BHYT theo hình thức hộ gia đình thay vì mua tự nguyện như hiện nay.
TS Dương Huy Liệu, Chuyên gia về kinh tế y tế cho rằng: “Thông thường những người ốm đau mới mua BHYT, như thế rất ngược với tính chất của BHYT là người khỏe tham gia vào quỹ để người ốm sử dụng, nên khi chúng ta sử dụng BHYT bắt buộc và theo hộ gia đình thì sẽ có nhiều người tham gia hơn, diện bao phủ nhiều hơn, trên cơ sở đó chúng ta sẽ có số tiền cho BHYT để chi trả bao phủ nhiều hơn, như vậy tính chất công bằng trong khám chữa bệnh sẽ tăng lên”.
Bảo hiểm y tế toàn dân là một chủ trương cần thiết thể hiện tính ưu việt của chính sách nhằm đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, nếu thực trạng bệnh nhân khám chữa bệnh theo dịch vụ vẫn được quan tâm hơn hẳn so với bệnh nhân có BHYT như hiện nay, thì rất khó để quy định bắt buộc tham gia BHYT được đông đảo người dân ủng hộ.