Lễ hội đầu Xuân bị biến tướng: Vì sao?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 17/02/2016 14:49 GMT+7

VTV.vn - Để tìm hiểu nguyên nhân khiến lễ hội đầu Xuân bị biến tướng, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với nhà thơ, nhà văn hóa Vũ Quần Phương.

Tại lễ hội Đền Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội - một trong những điểm nóng mùa lễ hội nhiều năm qua, một cuộc hỗn chiến đã xảy ra khi hàng trăm thanh niên lao vào cướp hoa tre từ kiệu rước hoa tre với cây gậy - vật biểu trưng cho gậy tre của Thánh Gióng đánh giặc, với quan niệm phải cướp được hoa tre mới may mắn.

Tại lễ hội cướp phết diễn ra ở Vĩnh Phúc, tục lệ cướp phết đã bị biến tướng nhiều năm nay. Người dân giẫm đạp lên nhau vì coi rằng ai cướp được phết thì gia đình sinh được con trai và hạnh phúc. Không ít vụ xô xát đã xảy ra.

Cùng với đó, những năm gần đây, phiên chợ đánh trận giả ở Thanh Hóa đã có nhiều biến tướng khi một số thanh niên đã lợi dụng phiên chợ để trả thù lẫn nhau do hiềm khích cá nhân.

Để giúp người dân hiểu được những giá trị sâu xa của lễ hội cũng như xác định cho mình một tâm thể chuẩn mực khi đến với những lễ hội, phóng viên VTV đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ, nhà văn hóa Vũ Quần Phương.

Nhà thơ, nhà văn hóa Vũ Quần Phương cho biết: "Lễ hội của các vùng quê được chia ra làm hai phần: Phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, những sự tích của ông Thần hoàng làng mà dân làng thờ sẽ được diễn lại. Sự tích này có khi gắn với một vị tướng, có khi gắn với một người dạy nghề cho dân làng. Còn phần hội là phần dành cho người đi hội để họ đến xem và tham dự".

Nhà thơ, nhà văn hóa Vũ Quần Phương cũng cho biết thêm: "Khi phục hồi những tích xưa, lễ hội các làng cũng được phục hồi nhưng theo một cách tự phát. Trên thực tế, người dân không tìm hiểu rõ về gốc tích của những lễ hội nên dễ bị lợi dụng".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

Mùa lễ hội

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước