Lựa chọn sách giáo khoa: Phải công khai, minh bạch

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 08/12/2019 09:54 GMT+7

VTV.vn - Một trong những từ khóa nổi bật trên các số báo ra trong tuần này chính là "sách giáo khoa".

Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, nước ta sẽ áp dụng mô hình một chương trình giáo dục nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa, thực hiện bắt đầu từ lớp 1. Và một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm là lựa chọn bộ sách giáo khoa nào cho phù hợp với học sinh.

Theo tờ Đại đoàn kết, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa (SGK). Theo đó, các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định việc này thông qua việc thành lập Hội đồng gồm hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, đại diện hội phụ huynh trường… SGK được lựa chọn phải được trên 50% số thành viên hội đồng bỏ phiếu kín đồng ý.

Đối với việc này, tờ Thanh Niên cho rằng, việc thành lập hội đồng và hình thức bỏ phiếu kín... chỉ là kỹ thuật, điều quan trọng là giáo viên và học sinh phải được tiếp cận, dạy và học thử từng sách giáo khoa.

Mỗi tỉnh có thể thành lập hàng trăm hội đồng. Cả nước sẽ có hàng ngàn hội đồng chọn SGK. Điều này cũng làm phát sinh những băn khoăn, như ai bỏ tiền tỉ cung cấp sách giáo khoa mẫu khi mà phải chuyển sách mẫu đến hàng ngàn trường, có hay không "vận động hành lang" để định hướng cho các trường trong việc chọn sách giáo khoa phù hợp ở mức nào thì chấp nhận được, mức nào thì phạm quy?

Những băn khoăn này không phải là không có cơ sở, đặc biệt khi thông tin mỗi cán bộ, lãnh đạo sở GD&ĐT TP. HCM nhận 2,5 – 6 triệu đồng/tháng thù lao của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để tham gia tổ chức, biên soạn bộ SGK "Chân trời sáng tạo" bị rò rỉ. Trong đó, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở nhận 6 triệu đồng/tháng, bắt đầu từ tháng 5/2015.

Bên cạnh đó, tờ Đại đoàn kết cũng nhìn nhận, về bản chất, việc các cá nhân thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM nhận tiền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giúp biên soạn, chỉ đạo biên soạn nội dung bộ SGK là không sai quy định của pháp luật. Nhưng vấn đề là khi hàng chục lãnh đạo sở của một địa phương cùng đứng tên tham gia vào biên soạn, chỉ đạo biên soạn thì hiệu trưởng sẽ quyết định chọn bộ sách nào.

Bởi thực tế quản lý hiện nay, việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm hay luân chuyển các hiệu trưởng đều phải thông qua các lãnh đạo phòng, ban của sở giáo dục. Đó là lý do dư luận đặt ra nhiều câu hỏi băn khoăn về tính công bằng trong việc chọn lựa các bộ SGK này.

Ngày 6/12, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến về vấn đề này. Theo đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT TP.HCM có trách nhiệm giải trình cụ thể về việc mà báo chí đã nêu. Dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đã quy định: "Người đã tham gia biên soạn, thẩm định SGK của các nhà xuất bản không được tham gia vào Hội đồng lựa chọn SGK". 

Thời gian tới, cùng với việc ban hành Thông tư, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các cơ quan quản lý ở địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc tổ chức lựa chọn SGK để đảm bảo đúng thực hiện pháp luật, công bằng, công khai, minh bạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước