Theo khảo sát của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chính quyền địa phương các cấp, các chủ rừng và các tổ chức cá nhân được giao quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên đã để mất khoảng 400.000 ha rừng các loại. Trong tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao có đến 282000 ha đang bị người dân tranh chấp. Đây là thực trạng đáng báo động trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại Tây Nguyên.
Mới đây, một vụ phá rừng phòng hộ đã xảy ra ngay tại khu vực biên giới thuộc xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Chỉ đến khi phần lớn gỗ đã bị đưa ra khỏi rừng, vụ việc mới được phát hiện.
Tại điểm nóng của tình trạng phá rừng giáp ranh thuộc xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng ở đây không thiếu, đường vận chuyển gỗ chỉ có một, nhưng rừng vẫn bị xâm hại từng ngày.
Rừng Tây Nguyên không chỉ bị phá bởi sự liều lĩnh, manh động của các đối tượng lâm tặc mà còn bị xà xẻo bởi không ít doanh nghiệp được giao đất, giao rừng.
Cánh rừng thông bạt ngàn chạy dọc Quốc lộ 28 đi ngang qua xã Quảng Sơn, huyện Đak Glong, tỉnh Đăk Nông, bỗng nhiên chết rụi, lá khô vàng úa.
Dùng những công cụ để đục gốc cây thông sau đó bơm hóa chất vào để cây thông chết từ từ, đây là thủ đoạn triệt hạ rừng tinh vi nhằm lấy đất sang nhượng trái phép của Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ, một doanh nghiệp được giao rừng để làm dự án quản lý rừng và đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp.
Hiện tỉnh Đăk Nông đang tiến hành thanh tra toàn diện vụ việc này, nhưng chắc chắn đây không phải là trường hợp duy nhất và cuối cùng trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, cũng như các tỉnh Tây Nguyên.
Buông lỏng quản lý, năng lực yếu kém, nhiều chồng chéo trong phân cấp quản lý bảo vệ rừng là những nguyên nhân dẫn đến việc rừng Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị suy giảm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!