Tại Quảng Ngãi: Ngay sau cuộc họp trực tuyến với Chính phủ vào chiều 13/10, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão. Với hơn 1000 phương tiện, cùng 9.000 lao động đang làm ăn trên biển, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã liên lạc, kêu gọi, hướng dẫn cho tất cả tàu thuyền tìm nơi neo đậu an toàn. Trong đêm nay (14/10), 12 tàu đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa cũng sẽ về tới đất liền.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết thêm, trong ngày hôm nay các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão sẽ về địa phương kiểm tra, nắm tình hình, nhằm đối phó kịp thời với bão số 11. Đặc biệt, đối với 33 hồ chứa xuống cấp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý từng hồ phải có phương án di dời cụ thể.
Tại Đà Nẵng: Tính đến chiều tối qua (13/10), Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kêu gọi và hướng dẫn cho 123 phương tiện với hơn 1.200 lao động hoạt động trên biển biết khả năng ảnh hưởng của bão để chủ động phòng tránh. UBND tỉnh cho biết, hiện còn lại 58 phương tiện với 511 lao động hoạt động trên vùng biển nguy hiểm cũng đang di chuyển vào những vị trí gần nhất để trú ẩn.
Các ngành chức năng tỉnh cũng kiên quyết không cho tàu thuyền neo đậu khu vực dọc theo sông Hàn. Tuy nhiên, tình trạng quá tải tại các điểm neo đậu vẫn thường xuyên xảy ra mỗi khi có gió to, bão lớn khiến công tác sắp xếp tàu thuyền tại đây gặp không ít khó khăn.
‘ Miền Trung đang tích cực neo đậu tàu thuyền chống bão (Ảnh minh họa)
Tại Nghệ An: Cho đến thời điểm hiện nay, các phương tiện đánh bắt hải sản của tỉnh Nghệ An đều đã nhận được thông báo về vị trí hướng đi của cơn bão số 11. UBND tỉnh cho biết, hiện có gần 1000 phương tiện với trên 6000 lao động hoạt động trên biển đang trên đường về tìm nơi trú ẩn an toàn.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu rà soát các phương án bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều; tăng cường công tác tuần tra canh gác, bố trí lực lượng, phương tiện vật tư để chủ động xử lý các tình huống khi có sự cố xảy ra.
Tại Hà Tĩnh: Để đối phó với cơn bão số 11, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh đã có cuộc họp khẩn để triển khai ngay một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, các địa phương ven biển chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh kêu gọi tàu thuyền di chuyển về nơi tránh bão an toàn; chủ động sơ tán ở khu vực nguy hiểm, triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa nhất là các hồ chứa đã xuống cấp nghiêm trọng.
Tại kè chắn sóng xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà trong cơn bão số 10 vừa qua đoàn kè này bị triều cường đánh sập, hư hỏng hoàn toàn. Nhằm ứng phó với bão số 11, UBND huyện Lộc Hà đã huy động lực lượng và 15.000 chiếc bao tải để đựng đất cát bồi trúc hai tuyến kè Thạch Kim. Với quyết tâm cao của lãnh đạo huyện cũng như bà con nhân dân Thạch Kim, chỉ trong một ngày đoạn kè chắn sóng ở phía Bắc thôn Long Hải đã được cũng cố khắc phục. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp tạm thời.