Đẩy mạnh sản xuất thuốc trong nước với chất lượng cao để phát triển ngành công nghiệp dược. (Ảnh: SGGP)
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ngành dược phải đối diện với không ít khó khăn. Vậy đâu là giải pháp? Đó là vấn đề các chuyên gia, các doanh nghiệp, các nhà quản lý bàn bạc trong Hội nghị triển khai Chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Bộ y tế và Tổ chức y tế Thế giới tổ chức sáng 6/12 tại Hà Nội.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy: thuốc nội hiện chỉ chiếm 50% tổng giá trị tiêu thụ. Mặc dù đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong đấu thầu thuốc, nhưng thuốc nội tại các bệnh viện tuyến huyện chỉ chiếm trên 40% và tuyến trung ương là 10%. Trong khi đó, các bệnh viện khẳng định: chất lượng thuốc nội đã tương đương với một số thuốc ngoại.
Các ý kiến cho rằng: doanh nghiệp dược Việt Nam vẫn chưa có sự bứt phá, vẫn sản xuất nhiều loại thuốc trùng lặp, với 260 tên thuốc cùng hoạt chất hạ nhiệt, giảm đau, 223 tên thuốc cùng là vitamin hoặc thuốc bổ....
Trong chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến 2020 đã đưa ra mục tiêu: 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, phấn đấu sản xuất được 20% nguyên liệu cho sản xuất thuốc, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm. Phấn đấu có 40% thuốc generic sản xuất trong nước và nhập khẩu có số đăng ký lưu hành được đánh giá tương đương sinh học và khả dụng.
Hiện, 90% nguyên liệu sản xuất thuốc ở nước ta là nhập từ nước ngoài. Công nghiệp dược Việt Nam vẫn là công nghệ bào chế, sản xuất thuốc generic - loại thuốc được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn và đa phần có có dạng bào chế đơn giản, chi phí cho nghiên cứu phát triển thấp, cơ cấu sản phẩm trùng lắp, thiếu định hướng vĩ mô, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, cần có những chính sách hỗ trợ, quy hoạch và định hướng để các doanh nghiệp phát triển đúng hướng, bảo hộ thuốc nước, đặc biệt là đầu tư cho nghiên cứu các loại thuốc mới bằng nguồn nguyên liệu trong nước.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.