Năm 2023, ngành tôm Việt Nam cần đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 06/02/2017 19:08 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức xác định thời điểm ngành tôm Việt Nam phải đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.

Phát biểu trước lãnh đạo của gần 30 tỉnh, thành; trên 50 doanh nghiệp cùng với đại diện của các hợp tác xã và Hiệp hội ngành tôm vào đầu giờ chiều 6/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức xác định thời điểm ngành tôm Việt Nam phải đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Chính phủ cũng sẽ có nhiều giải pháp giúp ngành tôm thực hiện được khát vọng này.

Ngay trong phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không đồng tình với mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đến năm 2030 Việt Nam mới đạt kim ngạch 10 tỷ USD xuất khẩu tôm, gấp hơn 3 lần so với hiện nay. Bởi mục tiêu này quá thấp. Thủ tướng cho biết, chỉ riêng công ty Minh Phú ở tỉnh Cà Mau đã đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu từ trên 500 triệu USD lên 2 tỷ USD, đồng thời đặt câu hỏi tại sao 28 tỉnh ven biển và hàng chục công ty khác lại không thể đạt được kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD còn lại.

Câu hỏi này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe có vẻ là một nhiệm vụ bất khả thi đối với ngành tôm. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, trong việc xác định những sản phẩm là thế mạnh quốc gia, con tôm lớn lên cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước, đã có đủ thực tiễn và khoa học để Chính phủ phát triển ngành tôm thành ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch; nhất là trong điều kiện Việt Nam sẽ bị tác động mạnh bởi biển đối khí hậu. Trong khi đó, 7 tỷ người trên thế giới đều có nhu cầu ăn tôm và tôm luôn xuất hiện ở những bữa tiệc thịnh soạn nhất.

Cùng với mục tiêu về giá trị xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt ra mục tiêu đưa Đồng bằng sông Cửu Long trở thành thủ phủ của ngành công nghiệp tôm và Việt Nam phải trở thành công xưởng tôm của thế giới. Muốn thế, ngành tôm phải xây dựng được những thương hiệu tôm nổi tiếng, đi cùng với phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến nhất như sinh học và điện toán đám mây vào nuôi tôm. Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu này rất lớn lao và cũng là khát vọng mạnh mẽ. Từ đó, Thủ tướng đưa ra một số định hướng  phát triển cho ngành tôm, trong đó việc đầu tiên là phải quy hoạch lại các vùng nuôi tôm nhằm không để nông dân nuôi tôm tự phát, manh mún và để có điều kiện xây dựng hệ thống thủy lợi, cung cấp điện và bảo vệ vùng sinh thái để người nuôi tôm thành công lớn hơn 30%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ hiểu rõ ngành tôm trong nước đang phụ thuộc quá lớn vào con giống và thức ăn của các doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, Chính phủ sẽ kiểm soát độc quyền nhóm trong cung cấp giống tôm và thức ăn nuôi tôm, cũng như giảm phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp nước ngoài. Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia vào thị trường này và khẳng định nhiệm vụ của Chính phủ là phải nhanh chóng trả lời được câu hỏi này. Một nhiệm vụ khác cũng được Thủ tướng yêu cầu Tổng Cục Thủy sản và chính quyền các địa phương phải hỗ trợ người nuôi tôm, không để người nuôi tôm bị động như thời gian vừa qua.

Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành tôm phải liên kết để giảm chi phí trung gian nhằm đảm bảo quyền lợi của người nuôi tôm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sẽ đồng hành, có trách nhiệm và sẵn sàng cao nhất bảo vệ quyền lợi chinh đáng của các doanh nghiệp ngành tôm trong các vụ kiện chống bán phá giá. Chính phủ cũng không ngần ngại trong việc sử dụng những tham vấn pháp lý tốt nhất, chuyên gia và luật sư giỏi nhất để bảo về quyền lợi cho các doanh nghiệp ngành tôm. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng tuyên bố Chính phủ sẽ tuyên chiến với các hành động làm mất uy tín của ngành tôm Việt Nam.

Để ngành tôm đạt được mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sau 6 năm nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong quý I/2017 phải trình Kế hoạch hành động quốc gia về tôm để sớm hình thành ngành công nghiệp tôm cũng như định hướng về quy hoạch, mở rộng hạn điền và mô hình doanh nghiệp xã hội trong nuôi tôm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao tìm nguồn vốn kể cả ODA và bố trí vốn đầu tư cho các vùng tôm trọng điểm, Thủ tướng cũng quyết định bổ sung mặt hàng tôm giống vào danh mục kê khai giá, còn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có cơ chế cho người nuôi tôm vay ưu đãi, vay không thế chấp hoặc thế chấp bằng ao, đầm nuôi tôm.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước