Tôi ủng hộ bỏ hình thức kỷ luật giáng chức!
"Tôi ủng hộ phương án 1 tức là bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức tại khoản 1 điều 79 thay bằng kỷ luật cách chức", đại biểu Phúc nhấn mạnh tại tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong nội dung xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, về hình thức kỷ luật "giáng chức", Chính phủ đề xuất hai phương án
Phương án 1: bỏ hình thức kỷ luật "giáng chức" đối với công chức tại khoản 1 Điều 79 của Luật hiện hành và theo đó bỏ quy định liên quan đối với hình thức này. Dự thảo Luật Chính phủ trình đang thể hiện theo phương án này.
Phương án 2: giữ hình thức kỷ luật "giáng chức" trong Luật.
Đại biểu Phúc đã dẫn ra các lý do cho quan điểm của mình. Thứ nhất theo bà Phúc, điều này đảm bảo tương ứng với khối hình thức xử lý đảng viên là: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Do vậy công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý cần có 4 hình thức xử lý: Khiển trách, cảnh cáo , cách chức, buộc thôi việc.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên)
Ngoài ra, theo đại biểu của Hưng Yên, việc áp dụng hình thức giáng chức sẽ dẫn tới tình trạng nể nang né tránh không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
"Về hình thức kỷ luật giáng chức sẽ xung đột với việc bố trí công chức theo bố trí việc làm bởi hình thức giáng chức thực chất chỉ là bổ nhiệm vào vị trí chức vụ thấp hơn, trong khi vị trí đó đã các định đủ số lượng lãnh đạo quản lý. Hơn nữa người bị xử lý kỷ luật giáng chức mà vãn công tác trong cơ quan cũ, vẫn trong lĩnh vực chuyên môn cũ sẽ gây khó khăn cho người lãnh đạo mới trong thực hiện nhiệm vụ và tham mưu", đại biểu Phúc cho biết thêm.
Chứng chỉ tin học, ngoại ngữ có cần thiết?
Cũng trong phần phát biểu của mình, đại biểu Phúc đặt dấu hỏi về sự cần thiết về các chứng chỉ như tin học, ngoại ngữ ... là một trong số nhiều điều kiện để nâng hạng, nâng ngạch cho công chức, viên chức.
"Điều kiện nâng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức phải có chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Trên thực tế, nếu công chức, viên chức có năng lực thì họ buộc phải tự bồi dưỡng cho mình trình độ công nghệ, tin học và ngoại ngữ mới có thể đáp ứng công việc. Điều này thể hiện ở mức độ hoàn thiện công việc. Như vậy điều kiện phải có chứng chỉ, tin học, ngoại ngữ có cần thiết không?", đại biểu Phúc cho biết.
Cùng theo đại biểu này, quy định trên đang khiến cho công chức, viên chức phải đi học các khóa đào tạo gây tốn kém, cuối cùng chỉ có mục đích đạt được các chứng chỉ cho đủ điều kiện nâng hạng, nâng ngạch, sau đó thì không sử dụng.
Ngoài ra, việc công chức, viên chức tập trung thi các chứng chỉ sẽ khiến các cơ sở đào tạo, quá tải dẫn tới việc không đảm bảo chất lượng đào tạo.
Thế nào là nhân tài?
Cùng liên quan đến nội dung chất lượng công chức, viên chức, theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng việc thu hút, trọng dụng nhân tài không phải là vấn đề mới, ngày xưa ông cha ta đã làm và gọi họ là "nguyên khí quốc gia". Từ xưa đến nay, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên và có các chính sách để thu hút người tài vào làm việc trong bộ máy.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)
Tuy nhiên, theo đại biểu Tám, hiện có nhiều quan niệm khác nhau về nhân tài và chưa có văn bản nào xác định rõ thế nào là nhân tài, người có tài năng. Đại biểu Tám kiến nghị cần bổ sung vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi quy định xác định thế nào là nhân tài, để có chính sách đãi ngộ phù hợp.
Đồng quan điểm với đại biểu Tám, Đại biểu Y Khút Niê (đoàn Đắk Lắk) cho biết rất băn khoăn trường hợp tuyển dụng, đãi ngộ với người có tài năng. Ông đề nghị cần làm rõ tiêu chí "người có tài năng" trong dự thảo luật để được áp dụng một cách thống nhất, tránh tình trạng luật quy định chung chung, mỗi người hiểu một kiểu, xét tuyển một cách tùy tiện không đảm bảo người có tài năng thực sự được vào làm việc trong cơ quan nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!