Khi hương sắc mùa xuân đã ùa về cũng là lúc hoa đào, hoa mận đua nhau khoe sắc. Đó cũng chính là thời điểm báo hiệu một mùa xuân mới trên bản người Mông nơi đây
Không khí chuẩn bị Tết ở gia đình ông Giáng A Chơ, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La rất rộn ràng với mỗi thành viên trong gia đình. Nếu như Tết của dân tộc Kinh ở miền xuôi phải có bánh chưng thì Tết của dân tộc Mông nơi đây lại có bánh dày. Họ quan niệm, bánh dày là tượng trưng cho Mặt Trăng và Mặt Trời - nguồn gốc sinh ra con người, vạn vật. Do đó, giã bánh dày là việc không thể thiếu trong ngày Tết của họ.
Ông Giáng A Chơ, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn Lacho biết: “Ngày thường không có cũng không sao, ngày Tết thì bắt buộc phải có bánh dày, nếu không có thì coi như không có Tết”.
Điều đặc biệt là mâm cơm của người Mông trong 3 ngày Tết không có rau. Theo quan niệm ngày xưa, nếu trong 3 ngày Tết mà ăn rau thì qua Tết đi làm nương lúa hay mọc nhiều cỏ và mất mùa… Thức ăn chủ yếu trong những ngày tết của họ là thịt. Họ quan niệm, ăn càng nhiều thịt thì sang năm mới sẽ gặp nhiều may mắn hơn và gia đình sẽ sung túc hơn…
‘ Mâm cỗ Tết của người Mông chỉ có thịt, không có rau xanh với mong muốn một năm mới sung túc hơn. (Ảnh: Vnmedia)
Ông Giáng A Chơgiải thích: “Cái này do các cụ truyền lại thôi. Trước các cụ có ăn rau xanh thì trong năm làm ăn lại không được may mắn, không ít thì nhiều, ăn thịt thì trong năm sẽ được may mắn hơn, và rồi nó dần hình thành một truyền thống. Sau ngày thứ ba làm mâm cỗ kết thúc ngày Tết rồi thì từ hôm đó thoải mái ăn rau gì cũng được hay có con gà mừng mùa mới thì ăn bình thường. Chỉ kiêng ngày mùng 1, mùng 2 thôi, còn sáng mùng 3 là xong, chỉ tầm khoảng 8h sáng là xong rồi”.
Người Mông không đón Giao thừa mà quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng 1 mới là mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm… Người Mông quan niệm, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm. Ngoài ra, trong 3 ngày này, người Mông không mua bán, không tiêu tiền, với tín ngưỡng giữ lại của cải, tiền bạc trong gia đình, phụ nữ không được cầm kim chỉ để may vá.
Trong 3 ngày Tết, người Mông có tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân những “người bạn” trong lao động, sản xuất.
Ông Giáng A Chơ chia sẻ thêm: “Ngày 30 phải thay cái giấy tự tay mình làm rồi dán cái lông gà vào, sau đó mới quét nhà cửa đón năm mới. Không dùng chổi chít, phải dùng bằng lá cây giăng hay là cây tre, cây có lá xanh. Quét nhà dọn dẹp xong rồi phải mang rác đến các ngã ba để đổ, không được đổ lung tung. Không khí năm cũ có gì không tốt thì sẽ quét sạch đi, sang năm mới có số phận mới không có cái cũ. Cái cũ phải mang đi đổ ở ngõ có đường dễ đi hay ngã ba đường mòn”.
‘ Trò chơi đánh quay của đồng bào Mông. (Ảnh: VNE)
Từ ngày Mùng 4, người Mông mới bắt đầu chơi Tết… Đây cũng là lúc người Mông nơi đây tổ chức những trò chơi truyền thống như đánh quay, ném pao và những điệu múa xòe và tiếng khèn reo rắt. Họ quan niệm rằng những trò chơi trong ngày Tết đó là thể hiện sự gắn kết tinh thần đoàn kết của dân tộc, gắn kết tình cảm của những đôi trai gái với nhau.
Anh Tráng A Vang, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Tỉnh Sơn Lanói: “Trò chơi ném quay này thì là một trò chơi dân gian của người dân tộc Mông, nó rèn luyện sức khỏe, đặc biệt những ngày Tết còn được gặp gỡ, giao lưu. Ngày xưa, nó chỉ là một trò chơi thôi nhưng bây giờ đã được đưa vào thi đấu như một môn thể thao của dân tộc Mông”.
Lễ hội nào rồi cũng qua đi. Trò chơi nào rồi cũng kết thúc. Nhưng niềm vui, tiếng cười của không khí ấm áp trong những ngày Tết hay những trò chơi mang lại trong mùa xuân sẽ là niềm động viên tinh thần vô giá để họ có thêm sức mạnh bước vào một năm mới tốt lành, một mùa vụ bội thu, no ấm, cùng giúp nhau phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.