Tết Khu sự chà của người Hà Nhì

Bế Thùy-Thứ ba, ngày 28/01/2014 07:20 GMT+7

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc có phong tục đón Tết mang đậm bản sắc văn hóa riêng. Với người Hà Nhì ở Mường Tè, Lai Châu, ngày Tết truyền thống có tên là Tết Khu Sự Chà qui định vào ngày Rồng cuối cùng của năm được cả cộng đồng thống nhất.

Người Hà Nhì quan niệm Rồng là linh vật mạnh, hành lễ vào ngày Rồng cuối năm hứa hẹn một năm mới an lành, sung túc, no ấm cho bản làng.

Cũng giống như người Việt, buổi tối trước giao thừa là thời điểm các gia đình Hà Nhì quây quần bên nhau. Người Hà Nhì quan niệm, giao thừa là thời điểm thích hợp nhất để các bậc cao niên của dòng họ truyền lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm, những phong tục của dân tộc.

Những câu hát dân ca, những ly rượu làm cho không khí của gia đình thêm đầm ấm, không khí đón giao thừa như rộn ràng hơn. Đó cũng là cách để mọi người truyền lại những câu hát ấy cho nhau và là một cách rất riêng để bảo lưu những giá trị truyền thống.

Chị Xì Mò Lứ, bản Thu Lũm, xã Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu cho biết: “Mình hay hát những bài hát cổ truyền để các con các cháu như mình thêm đam mê và gìn giữ cho ông bà. Đây là dịp ông bà truyền lại kiến thức cho các con các cháu dễ tiếp thu. Chính vì thế, con cháu phải học để còn gìn giữ bản sắc truyền thống của dân tộc”.

‘ Người Hà Nhì cũng thường nấu bánh trôi cúng tổ tiên ngày Tết.

Đối với người đàn ông trong nhà, việc truyền dạy những kinh nghiệm, nghi lễ là điều không thể thiếu trong đêm chuẩn bị bước sang năm mới như cách xem bói để chọn ngày tốt trong năm. Đây là những kinh nghiệm mà bắt buộc người đàn ông Hà Nhì phải nắm rõ và chỉ được truyền dạy lại vào buổi tối trước giao thừa.

Sau khi truyền dạy, mọi người thường ai về nhà nấy để đợi giờ khắc giao thừa. Nói là đợi giao thừa bởi không giống như người Việt lúc 0h là thời khắc chuyển giao thì người Hà Nhì coi tiếng gà gáy đầu tiên trong bản là thời điểm bước sang năm mới.

Tiếng lợn kêu khắp bản như báo hiệu ngày đầu tiên của năm mới bắt đầu. Khi mổ lợn, người Hà Nhì quan trọng nhất là lá gan bởi gan tượng trưng cho ngôi nhà, những đường chỉ gan tượng trưng cho đường làm ăn, sinh sống. Lúc này, người đàn ông trong gia đình hoặc già làng sẽ xem gan lợn để đoán vận mệnh và con đường làm ăn của gia đình trong năm mới.

Dù chỉ là một phong tục nhưng việc xem gan lợn ngày Tết là một tục hay trong văn hóa của người Hà Nhì vẫn được lưu truyền, thể hiện ước muốn bình dị cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Đó cũng chính là một cách để lưu giữ những bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Hà Nhì.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước