Cơn bão có tên quốc tế là Haiyan đã quét qua Philippines và chính thức đi vào Biển Đông đêm nay (8/11), trở thành cơn bão số 14. Siêu bão số 14 là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử của thế giới, được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử trên Biển Đông và cũng sẽ là cơn bão lớn nhất trong lịch sử được ghi nhận đổ bổ vào đất liền nước ta.
Theo đánh giá, so sánh với các siêu bão trong lĩnh sử của thế giới, đây là cơn bão hủy diệt, được mô tả có sức tàn phá khủng khiếp. Chiều 8/11, với tinh thần hết sức khẩn trương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với sự tham dự của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên nhằm rà soát các phương án đối phó với bão số 14.
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh siêu bão số 14 là một cơn bão lớn chưa từng thấy với cấp gió vượt qua mọi thang đo cấp gió quốc tế, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp và chắc chắn có sức tàn phá hết sức ghê gớm. Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị bao gồm cấp ủy, chính quyền các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Cà Mau, các tỉnh Tây Nguyên; Chính phủ, các bộ, ngành, lực lượng quân đội và công an tập trung chỉ đạo, quyết tâm cao nhất, bằng tất cả các giải pháp, tất cả các lực lượng, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung, nhiệm vụ nêu trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các Công điện của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương nhằm ứng phó với bão số 14 ,với mục tiêu giảm thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân, cũng như tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Theo thông tin được cập nhật của Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương trình bày tại cuộc họp, đêm 8/11, siêu bão số 14 đi vào Biển Đông, gió lên tới cấp 17 - cấp gió cao nhất trong thang đo gió quốc tế; di chuyển rất nhanh với tốc độ 30 đến 35 km/h; vùng bán kính ảnh hưởng khoảng 500- 600 km.
Với tốc độ di chuyển nhanh, trưa vào chiều mai (9/11), vùng ven biển các tỉnh miền Trung bắt đầu chịu ảnh hưởng của bão. Khoảng 4 đến 10 giờ ngày 10/11, bão sẽ đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Từ 7 giờ đến 13 giờ cùng ngày, bão có khả năng đi dọc các tỉnh từ Quảng Trị ra Nghệ An.
Do phạm vi ảnh hưởng lớn nên các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Bình, các đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Hòn Ngư... có gió mạnh cấp 12 đến cấp 15, giật cấp 15 đến cấp 17. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên... có gió cấp 8 đến cấp 12, giật trên cấp 12. Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 9/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa to đến rất to, trung bình khoảng 200mm, nhiều nơi 500 đến 600mm. Với cường độ như trên, bão sẽ làm nước biển dâng cao đến 5-6m sóng cao đến 8m, tâm bão sóng cao đến 10m.
Với tất cả các thông số như trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng như Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương khi so sánh với các siêu bão trong lịch sử trên thế giới đã nhận định rằng đây là cơn bão mang tính hủy diệt, sức tàn phá hết sức khủng khiếp và nếu không có các phương án phòng tránh chắc chắn, cụ thể, thiệt hại sẽ không tưởng tượng nổi.
Theo mô tả, với cấp gió như trên, người và gia súc nếu không trú tránh sẽ bị thiệt mạng và bị thương rất lớn. Đặc biệt các loại vật liệu như kính vỡ, tôn lợp mái sẽ bị gió cuốn và trở thành những vật thể gây sát thương và tàn phá mọi thứ xung quanh. Nhà cấp 4 có nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn; phần lớn loại nhà cấp 3, nhà xưởng khung kim loại hoặc nhà không có lõi bê tông cốt thép sẽ bị tác động dẫn đến sụp đổ. Gần như các biển quảng cáo tấm lớn ngoài trời, cột điện, cột viễn thông, cột phát sóng phát thanh, truyền hình, cây cối… sẽ bị gãy đổ.
Tàu thuyền trên biển, kể cả các tàu trọng tải lớn hoàn toàn có thể bị đánh chìm, kể cả tàu, thuyền ở các khu neo đậu vẫn bị va đập và đánh chìm. Các vùng ven biển, sóng lớn có thể càn quét và cuốn trôi tất cả nhà cửa. Mưa lớn có thể gây ngập lụt nặng các khu vực thấp, các thành phố, thị xã, kể cả ngập lụt nặng có thể xảy ra tại Thủ đô Hà Nội.
Quý vị có thể theo dõi nội dung chi tiết trên qua VIDEO dưới đây: