Trong không gian đậm màu sắc nhà truyền thống Bắc Bộ, những ký ức và kỷ vật, ván khắc cổ quý giá được nghệ nhân lão thành Nguyễn Đăng Chế cùng các con cháu nâng niu, gìn giữ. Suốt 5 thế kỷ, kể cả những giai đoạn khó khăn tưởng chừng mai một nghề tranh Đông Hồ, gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế vẫn là bảo tàng sống về một trong những di sản văn hóa đáng tự hào của vùng Kinh Bắc xưa.
Những ván khắc cổ có tuổi đời đã 1 - 2 thế kỷ, là những di sản quý giá nhất mà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, 84 tuổi, thế hệ thứ 20 của dòng họ Nguyễn Đăng, cất công sưu tầm qua nhiều năm. Mỗi bức tranh Đông Hồ mẫu truyền thống sẽ có từ 4 - 8 ván khắc như thế này. Người làm tranh in chúng qua nhiều bước, lên giấy dó hoặc giấy điệp, để tạo nên dòng tranh nức tiếng Kinh Bắc.
Bên cạnh tranh làng Sình, tranh Kim Hoàng, hay tranh Hàng Trống, hoặc bị mai một, hoặc đã thất truyền, Đông Hồ là dòng tranh dân gian hiếm hoi còn lưu lại được những ván khắc cổ, cũng như kỹ thuật làm tranh được truyền lại từ 500 năm qua. Không gian mà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cùng các con cháu tâm huyết xây dựng, hiện cũng được xem như bảo tàng nhỏ về lịch sử tranh Đông Hồ, nơi du khách và những người yêu nghệ thuật thỏa sức tìm hiểu, trải nghiệm in tranh.
Hiện, những người con của nghệ nhân đều gắn bó với nghiệp làm tranh. Không chỉ bảo tồn những tinh hoa của cha ông, họ còn sáng tạo ra những sản phẩm mới để tranh dân gian được phổ biến rộng hơn trong đời sống.
Nghề tranh Đông Hồ đang đứng trước cơ hội trở thành di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, đó là trái ngọt mà ông cùng các con cháu đã góp phần gieo mầm, vun trồng, để giữ một tinh hoa xưa cho hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!